Chiều 23/7, trao đổi với VnExpress.net về việc 700 bản sao bằng tốt nghiệp mắc lỗi chính tả, PGS TS Nông Quốc Chinh, Hiệu trưởng ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) cho biết, nguyên nhân do cán bộ, chuyên viên phòng Công tác Học sinh - Sinh viên không kiểm tra và rà soát cẩn thận nên xảy ra sai sót cơ bản về nghiệp vụ.
Dù bản chính bằng tốt nghiệp của ĐH Thái Nguyên được in chìm ký hiệu chống giả nhưng để thuận tiện cho việc nhận biết và công chứng, năm 2013, trường đã quy định dán thêm tem chống giả. Tuy nhiên, ở lễ tốt nghiệp ngày 1/7 vừa qua, 425 trong số 731 bằng vẫn chưa được dán tem này. Theo ông Chinh, đây là lỗi của bộ phận cấp phát bằng tốt nghiệp thuộc Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên.
"Trường nhận thấy, những sai sót trên là do sự thiếu thận trọng của một số cán bộ chuyên trách, đồng thời, lãnh đạo nhà trường chưa sát sao trong chỉ đạo, kiểm tra nên dẫn tới sự việc đáng tiếc trên", Hiệu trưởng Nông Quốc Chinh chia sẻ.
Theo lãnh đạo trường, ngày 15/7, ĐH Khoa học đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sai sót trong bản chính và bản sao bằng tốt nghiệp. Trường đã thông báo mời sinh viên quay trở lại trường xử lý những thiếu sót này.
"Sau khi VnExpress.net đăng bài viết 700 bằng tốt nghiệp đại học mắc lỗi chính tả, ngày 19/7 trường đã gửi lời xin lỗi tới các sinh viên và phụ huynh về sự cố đáng tiếc trên và thông báo phương hướng giải quyết tại website của trường", PGS TS Nông Quốc Chinh nói thêm.
Chiều 22/7 trường đã dán bổ sung tem và vào sổ cấp bằng 361 bằng tốt nghiệp thiếu tem, thu hồi và cấp lại 259 bản sao bằng tốt nghiệp sai chính tả. ĐH Khoa học đang liên lạc với những sinh viên còn lại để giải quyết sự cố.
Ngoài việc nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm về công tác cấp phát bằng, lãnh đạo ĐH Khoa học còn cho biết sẽ có hình thức kỷ luật đúng mức đối với những người chịu trách nhiệm. Đồng thời, trường sẽ tiếp tục khắc phục những hậu quả trên để tất cả sinh viên tốt nghiệp yên tâm khi xin việc và công tác.
Trước đó, ngày 18/7, VnExpress.net đăng bài viết phản ánh tình trạng bản sao của hơn 700 bằng tốt nghiệp ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) mắc lỗi chính tả, và hàng trăm bản chính bằng tốt nghiệp không có tem chống giả khiến sinh viên đi xin việc bị nghi ngờ sử dụng bằng giả.
Nguyễn Lê