Trong buổi họp báo quý III chiều 4/10, Thứ trưởng Bộ giao thông Trương Tấn Viên thẳng thắn thừa nhận "năm 2009, Bộ đầu tư hơn 90 tỷ đồng để sửa chữa cầu Thăng Long nhưng không thành công vì sau thời gian duy tu mặt cầu xuất hiện trồi lún. Công nghệ dính kết trên bản mặt cầu thép đang là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới gặp phải".
Theo thứ trưởng Viên, trước vấn đề này, Bộ GTVT đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, giúp đỡ sửa chữa mặt cầu lần cuối. "Nhà thầu JICA của Nhật Bản đã chấp thuận sửa chữa toàn bộ hư hỏng mặt cầu Thăng Long và đang khảo sát, lập phương án kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2016 mới tiến hành được".
Để thuận tiện cho việc lưu thông từ nay đến 2016, Bộ giao thông quyết định ký hợp đồng với một đơn vị của Mỹ dùng công nghệ Novabond sửa chữa mặt cầu. Thời gian qua, hơn 14.000m2 được sửa chữa bằng vật liệu polymer, bước đầu đã cho thấy chất kết dính tốt, không bị bong tróc, việc sửa chữa có hiệu quả và trong thời gian tới sẽ sử dụng công nghệ này vá nốt phần diện tích 12.000m2 mặt cầu còn lại.
"So với chi phí sửa chữa lần trước thì chi phí cho đợt duy tu này rất thấp so với diện tích mặt cầu, chỉ xấp xỉ khoảng 10 tỷ đồng. Bộ cũng cam kết việc duy tu sửa chữa sẽ đảm hiệu quả và đảm bảo chất lượng", thứ trưởng Viên cho hay.
Đây là lần thứ 2, Novabond được sử dụng để sửa chữa cầu Thăng Long, trước đó vào tháng 8, Bộ giao thông cũng đã giao Ban quản lý dự án 2 ký kết với Công ty Hall Brother để sửa chữa cầu bằng vật liệu Novabond, kinh phí sửa chữa của đợt này là 3 tỷ đồng.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được bắt đầu tháng 10/2009 với số tiền 90 tỷ đồng. Nhưng sau 3 tháng sử dụng, những vết nứt mới lại xuất hiện nên cầu tiếp tục được sửa chữa vào tháng 4 và 7/2010.
Giữa năm 2012, VnExpress.net phản ánh về tình trạng cầu xuống cấp sau nhiều lần tu sửa. Tới tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải quyết định chi thêm 3 tỷ đồng để sử dụng vật liệu Novabond được cho là có khả năng bám dính tốt nhằm khắc phục 'ổ gà' trên cầu Thăng Long. Tuy nhiên, tại nhiều điểm được vá lại xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình, ở khu vực giữa cầu, theo hướng Hà Nội - Nội Bài, xuất hiện một hố rộng hơn 1m và dài 2m, sâu khoảng 6cm.
Bá Đô