Hai nạn nhân xấu số là anh Lê Thanh Nghị (40 tuổi) và Nguyễn Chí Thành, cán bộ của đài. Một người khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Sau khi tai nạn xảy ra, thi thể nạn nhân Lê Thanh Nghị được đưa ra khỏi hiện trường, còn anh Nguyễn Chí Thành vẫn bị mắc kẹt dưới nhiều khối sắt thép. Cơ quan chức năng đã điều cảnh sát cơ động, cảnh sát PCCC tới giải phóng các khung thép bị đổ sập. Rạng sáng nay, lực lượng cứu hộ đã đưa được thi thể nạn nhân này ra ngoài, bàn giao cho gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Bình cho biết, Trạm phát sóng phát thanh Đồng Hới do Đài Tiếng nói Việt Nam quản lý. Cột thu, phát sóng này được xây dựng và sử dụng từ nhiều năm qua.
Gió bão cũng đã làm gãy một cột thu phát sóng viễn thông tại huyện Lệ Thủy. Tối cùng ngày, bão đã tan nhưng toàn thành phố Đồng Hới và các huyện phụ cận đều mất điện, công tác khắc phục hậu quả cơn bão gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, bão Wutip đã làm 2 người chết, 26 người bị thương, hơn 5.400 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cây cối, cột điện đổ, gẫy.
Đến 19h ngày 30/9, lượng mưa đo được tại Quảng Bình phổ biến ở mức 100-200 mm, có nơi lớn hơn như Mai Hóa 222 mm, Ba Đồn 249 mm, Đồng Hới 328 mm. Lũ trên các sông ở Quảng Bình đang lên. Dự báo, sáng mai lũ trên các sông ở tỉnh này có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức báo động 2.
Sau khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, 19h ngày 30/9, tâm bão Wutip ở trên khu vực biên giới các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình và nước Lào, sức gió mạnh nhất 102 km một giờ (cấp 10). Vượt qua biên giới Việt - Lào, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó di chuyển về phía Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp giảm xuống dưới 39 km một giờ (cấp 6).
Lê Hoàng - Hải Bình