“Bản chất của chính quyền là của dân, do dân, vì dân. Mục tiêu cuối cùng của đề án chính quyền đô thị là phục vụ tốt cho dân. Nếu không làm được điều đó thì bản thân đề án không còn ý nghĩa gì hết. Mô hình này không có chỗ cho người ngồi không lãnh lương. Cán bộ công chức nào nằm trong bộ máy cũng phải biết rõ nhiệm vụ, chức năng của mình và hiểu rõ được trả lương để làm việc gì”, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Chính quyền đô thị - Yêu cầu thực tiễn” ngày 8/9.
Theo kế hoạch, ngày 12/9, đề án thí điểm chính quyền đô thị của TP HCM sẽ được lấy ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành tại Hà Nội. Đoàn công tác của TP HCM sẽ do ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM chịu trách nhiệm trả lời, giải trình về những vấn đề mà đại biểu đặt ra.
Ông Lịch cho biết, cốt lõi của đề án này là nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Điều này cũng đã được ghi trong Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, trong đề án thí điểm chính quyền đô thị TP HCM đã đề nghị trung ương phân cấp cụ thể cho thành phố những quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các chế tài hành chính.
“Ví dụ chính quyền, HĐND TP có những quy định về trật tự đô thị như ở thành phố không được phơi áo quần trước nhà, nếu phơi sẽ bị phạt. Những cái này thuộc về thẩm quyền của HĐND TP, trung ương không can thiệp”, vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội dẫn chứng.
Thứ hai là thẩm quyền về ngân sách tài chính công. Theo ông Lịch, những gì thuộc về khoản thu ngân sách của địa phương, thành phố xin trung ương cứ để cho HĐND địa phương tính toán và chi. Nếu chi sai phải chịu trách nhiệm trước dân, trung ương không can thiệp. Còn những khoản mà trung ương đầu tư cho thành phố thì trung ương giám sát, kiểm tra, và thành phố tuân thủ.
Dựa trên ngân sách tự chủ đó, thành phố có thể đi vay, phát hành trái phiếu. Ngoài ra, thành phố có thể đặt ra một số loại phí để điều chỉnh mà địa phương không có. "Đừng hỏi tại sao, ở Cà Mau không có mà TP HCM lại có loại phí này. Nếu quy định đó là bất hợp lý, người dân phản ứng thì HĐND TP sẽ phải xem xét lại”, ông Lịch cho biết.
Cũng theo ông Lịch, trong chính quyền đô thị, hầu hết dịch vụ liên quan đời sống người dân như giao thông, đô thị, vệ sinh, an toàn thực phẩm, môi trường, y tế, phúc lợi giao hết cho địa phương chứ trung ương không can thiệp. “Tất cả đều rạch ròi để khi xảy ra một việc gì, thì người dân biết rằng trách nhiệm thuộc về thành phố, không có chuyện lảng tránh trách nhiệm. Đừng như hiện nay, xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm thì đổ qua đổ lại, không ai chịu nhận trách nhiệm”, ông Lịch nêu ví dụ.
Cuối cùng, thành phố đề nghị phân rõ về công vụ, công vụ nào thuộc trung ương, công vụ nào thuộc về địa phương, trên cơ sở đó TP HCM sẽ phân cấp cho 4 thành phố trực thuộc. Những cái nào trung ương phân cấp cho thành phố, mà các thành phố trực thuộc làm tốt hơn, sát dân hơn thì thành phố có quyền phân cấp cho các thành phố này làm.
"Với mô hình này, kỳ vọng rằng sự năng động, sáng tạo của UBND TP HCM sẽ được nâng lên 5 lần so với hiện nay. Khi đó, phúc lợi của người dân sẽ được tăng lên và chúng ta có đủ tiền để thay đổi nền hành chính từ tính chất quản lý sáng tính chất phục vụ người dân. Tiêu chí phục vụ dân, thỏa mãn người dân là tiêu chí lớn nhất để đánh giá chất lượng bộ máy".
Theo vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, nếu tháng 11 tới, Quốc hội thông qua Nghị quyết về đề án chính quyền đô thị thì thành phố phải chuẩn bị gấp rút để kỳ họp tiếp theo vào tháng 5 năm tới Quốc hội cho Nghị quyết thành lập các thành phố trực thuộc. Vấn đề quan trọng là nội dung phân cấp trong đề án liên quan đến hàng trăm văn bản từ Quốc hội đến Chính phủ bây giờ phải cụ thể như thế nào. Trên cơ sở đó, HĐND TP sẽ ban hành hàng loạt nghị quyết để điều hành phân cấp công vụ cho các cấp, địa phương. Dự kiến, những công việc này sẽ làm trong 2 năm 2014-2015 để bắt đầu từ năm 2016 có thể thực thi được.
Phát biểu tại buổi đối thoại bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng, chính quyền TP HCM trong những năm qua đã nỗ lực rất lớn, được nhân dân tin tưởng, góp sức xây dựng để tạo nên những thành quả của công cuộc đổi mới trong hơn 30 năm qua. Đến bây giờ, chúng ta thấy cần phải có cơ chế mới để tạo động lực cho thành phố phát triển. "Chính quyền đô thị là một mô hình mới, còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng nếu chúng ta xây dựng thành công sẽ giúp thành phố giải quyết được những khó khăn, bất cập, cản trở động lực phát triển của giai đoạn hiện nay", bà Tâm cho biết.
TP HCM có 19 quận và 5 huyện, dân số gần 10 triệu người, là một trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Đây cũng là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông giao lưu trong nước và thế giới, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của cả nước. Quy mô kinh tế, dân số và nhiều mặt khác của thành phố phát triển nhanh trong hơn 10 năm trở lại đây. Mô hình tổ chức các cấp chính quyền hiện nay ngày càng bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị, có tình trạng phân tán, thiếu đồng bộ, không phát huy được tính tự chủ, cản trở động lực phát triển của thành phố. Nếu được cho phép triển khai, mô hình chính quyền đô thị TP HCM được hy vọng sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sát dân, đáp ứng nhanh nhu cầu của người dân, phù hợp với tính chất một đô thị đặc biệt. |
Hữu Công