Theo UBND TP HCM, tổ chức và hoạt động của chính quyền trên địa bàn TP HCM đang có nhiều hạn chế, vướng mắc cũng như những vấn đề bất cập gây khó khăn cho sự phát triển. Cụ thể, việc tổ chức chính quyền hiện tại thành thang bậc trên dưới theo cơ chế hành chính nên cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không phù hợp với tính đa dạng của các địa phương. Thậm chí gần như rập khuôn, không có sự phân biệt giữa đô thị và các vùng miền khác.
Đồng thời, mô hình tổ chức bộ máy hiện tại không được xây dựng trên các đặc trưng của đô thị và đặc thù của từng loại đô thị cụ thể. Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố trực thuộc trung ương, UBND quận không khác biệt đáng kể so với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, huyện.
"Nếu các địa phương cùng dàn hàng ngang để tiến lên cũng giống như các cơ thể khác nhau phải mặc chung một cỡ áo thì rất khó phát triển. Vì vậy, cần có một số đô thị phát triển theo mô hình chính quyền đô thị", bà Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM nhận định.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đánh giá, chế độ tập thể lãnh đạo của UBND và thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND chưa được phân định rõ ràng. Nhất là trong chỉ đạo, điều hành, quyết định những chủ trương cụ thể. Không xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân dẫn đến hội họp nhiều, phản ứng chậm và kém hiệu quả.
Theo UBND TP, tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền trên địa bàn thành phố đang có nhiều hạn chế, bất cập đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: H.C.
Đề xuất với Ban Chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, UBND TP HCM cho biết, chính quyền đô thị cấp thành phố được xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị. Bộ máy chính quyền đô thị của thành phố và các đô thị trực thuộc thành phố một cấp gồm có cơ quan dân cử (HĐND) và cơ quan hành chính (Ủy ban hành chính) thuộc hệ thống hành pháp là một hình thức của chính quyền địa phương.
TP HCM có 2 cấp chính quyền hoàn chỉnh (có HĐND và UBND) gồm cấp TP HCM và cấp thành phố vệ tinh (Đông, Tây, Nam, Bắc), có nhiều đô thị trong một đô thị lớn. Riêng quận và phường cũng là đô thị nhưng không tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh mà có bước quá độ để trực thuộc cấp thành phố.
UBND thành phố cũng nhận định, do tầm quan trọng của 4 khu đô thị mới của TP HCM và sự phân cấp cũng như tự chịu trách nhiệm cao của chính quyền khu đô thị nên cần nâng cao vai trò của Chủ tịch HĐND và Thủ trưởng cơ quan hành chính cao hơn các quận nội thành. Cụ thể là cấp bậc sẽ tương đương với Phó thủ trưởng cơ quan hành chính của TP HCM.
Tại các khu đô thị này sẽ thực hiện nguyên tắc hai cấp chính quyền như cơ cấu chính quyền thành phố trực thuộc trung ương. Dưới cấp chính quyền này sẽ tổ chức các cơ quan hành chính phường để thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn. Chính quyền các khu đô thị được xây dựng theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong ngân sách, xây dựng và quản lý, phát triển dịch vụ đô thị.
Với mô hình chính quyền đô thị, UBND TP HCM cho rằng vai trò của thủ trưởng cơ quan hành chính sẽ được nâng cao, tăng quyền quản lý điều hành, thiết lập chế độ thủ trưởng triệt để. Thủ trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc quản lý điều hành.. Đồng thời, chính quyền đô thị được tự chủ ngân sách và không bị giới hạn về địa giới hành chính.
Với đề án chính quyền đô thị, UBND TP cho rằng TP HCM sẽ tận dụng được các nguồn lực và thế mạnh của mình để phát triển nhanh hơn và bền vững. Ảnh: H.C.
Theo ông Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM, chính quyền đô thị sẽ giúp thành phố tận dụng được các nguồn lực để phát triển nhanh hơn. Trong điều kiện các cơ quan, Quốc hội khi xem xét không đồng ý cho phép có mô hình "thành phố trong thành phố" thì có thể gọi bằng một tên gọi khác.
Để chuẩn bị cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở TP HCM sắp tới, trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, TP HCM kiến nghị Trung ương cho phép thành phố tiếp tục không tổ chức HĐND ở 24 quận huyện và 259 phường. Thí điểm tách văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố thành 2 văn phòng riêng cho phù hợp với đặc thù và điều kiện của thành phố.
Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất thành lập quận (thị xã) hoặc thành phố trực thuộc TP HCM khi đã đủ điều kiện tại 5 huyện. Mặt khác, do quy mô dân số, đối với huyện có trên 300.000 dân thành phố kiến nghị được tăng thêm một Phó chủ tịch UBND. Đồng thời, TP HCM cũng kiến nghị Trung ương cho phép thành lập các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặc thù theo yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng xin Trung ương cho phép thực hiện thí điểm một số vấn đề trên các lĩnh vực như tự quyết định về biên chế và đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tiền lương. Về tài chính ngân sách, đề nghị điều chỉnh quy định về thời kỳ ổn định ngân sách trong khoảng 10 năm thay vì 3-5 năm như hiện nay. Quy định lại tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển để đảm bảo cho địa phương có đủ nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặt khác, để bảo đảm sự chủ động của chính quyền đô thị trong việc thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch, TP HCM cũng đề xuất Trung ương cho thành phố có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ trên quy hoạch chung đã được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt. Riêng về vấn đề quản lý quốc phòng - an ninh, kiến nghị được chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ; có cơ sở vật chất kỹ thuật đào tạo đến bậc cao đẳng; được chủ động về quy mô tổ chức, biên chế theo yêu cầu công tác quốc phòng - an ninh phù hợp với địa bàn chính quyền đô thị.
Hữu Công