Chợ Tiên An do anh Nguyễn Văn Nam, 38 tuổi, ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, bỏ tiền túi xây dựng vào giữa năm 2012, khi thấy người dân trong làng phải lặn lội vài cây số sang huyện Gio Linh để đi chợ.
"Thấy vợ với bà con ngày nào cũng phải tốn nhiều thời gian và lệ phí đi lại, tôi đã đề xuất với chính quyền địa phương cho phép tôi xây dựng chợ, tạo điều kiện thuận lợi việc buôn bán của người dân", anh Nam nói về ý tưởng của mình và thêm rằng rất may chính quyền đã đồng ý.
Kể cả thời gian san lấp mặt bằng thì chợ Tiên An được xây dựng trong hơn 4 tháng. Khu đất xây dựng chợ trước đây là một cái ao rộng 2.500m2 và sâu hơn 3m, anh Nam phải đổ hơn 8.000 khối đất mới lấp đầy. Hàng ngày, chợ bắt đầu họp từ 5h sáng với hơn 100 sạp hàng, chỗ ngồi buôn bán.
Các mặt hàng đa dạng và phong phú như rau, cá, thịt; cả áo quần, giày dép cũng được bày bán. Chi phí xây dựng chợ hơn 600 triệu đồng được anh tích góp từ thu nhập nuôi tôm sú và xưởng gỗ mấy năm qua. "Hiện tại tôi chưa tính đến việc thu phí của bà con", anh Nam chia sẻ.
Chị Phạm Thị Hương (49 tuổi, bán hàng tạp hóa gia vị) cho biết, trước đây khi chưa có chợ Tiên An, hàng ngày chị phải đạp xe bán hàng rong khắp "hang cùng ngõ hẻm", cực khổ nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Chị nói: "Từ ngày được bán trong chợ, mỗi ngày trừ các chi phí tôi cũng lãi hơn trăm nghìn".
Còn bà Hoa bán rau củ quả, trước đi bán chợ lẻ mỗi ngày chỉ lãi khoảng 20.000-30.000 đồng, nhưng từ ngày bán ở chợ Tiên An, bà đỡ mệt hơn vì gần nhà mà vẫn có lời.
Anh Nam là người thành công trong nghề nuôi tôm sú ở địa phương. Hiện anh có 4 hồ nuôi tôm với tổng diện tích hơn 2ha. Anh còn mở một xưởng gỗ, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động. Mỗi năm trừ các chi phí nuôi tôm và xưởng gỗ, anh thu về hơn 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Tiên An nhận xét anh Nam còn trẻ nhưng luôn là người đi đầu trong phong trào phát triển nông thôn mới của địa phương, bên cạnh việc xây dựng chợ tạo điều kiện thuận lợi buôn bán cho người dân.
"Mong rằng sẽ có nhiều anh Nam như thế này để thôn được nhờ", ông Sơn nói.
Như Quang