Khoa ngồi lọt thỏm trong góc trên chiếc xe lăn cũ kỹ, xung quanh xếp đầy xoài, hồng, cam, bưởi... Trên bánh lái màu xanh của xe lăn còn ba chiếc bánh mì để chào khách. Sạp hoa quả của chị nằm ở nơi giao nhau giữa phố Trần Xuân Soạn - Lò Đúc (Hà Nội) tấp nập người qua lại.
Có khách mua hàng, chị nhoài người nhặt những quả hồng rồi đặt lên cân. Thi thoảng chị phải nhờ khách tự lấy những quả dưa, quả bưởi để xa tầm tay với. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam năm nào từng đi thi đấu ở Philippines, Hy Lạp, giờ thu mình lại nơi góc phố với thùng bánh mì và sạp hoa quả. Nhiều năm qua, nơi đây trở thành mái nhà thứ hai của chị.
Tranh thủ lúc vắng khách, Khoa sắp xếp lại bánh mì trong thùng. Chị cho hay, trước đây bán được cả trăm cái mỗi ngày, giờ chỉ được vài chục do cạnh tranh nhiều hơn. Trông chờ vào thùng bánh mì không đủ sống, chị phải mua hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên bán thêm mới tạm trang trải.
Năm 2005, dành dụm sau cả chục năm bán bánh mì và tiền thưởng từ những lần thi đấu, chị Khoa mua được miếng đất, cất một ngôi nhà nhỏ trên phố Kim Ngưu. Trở về cuộc sống bình lặng sau đường đua, còn bao tâm sức chị dành cả cho cô con gái mang họ mẹ, Nhữ Thị Yến Chi.
Không muốn tâm sự nhiều về chuyện riêng tư, chị Khoa đầy tự hào khi nói về con. Yến Chi năm nay 7 tuổi nhưng mới vào lớp Một. Cô bé gầy còm đi học về là sà vào lòng mẹ đòi bế. Để con ăn lót dạ và uống hộp sữa đợi đi học thêm buổi tối, chị tranh thủ lật từng trang vở của con. Khuôn mặt người mẹ giãn ra, mỉm cười khi thấy Chi viết chữ ngày càng khá. Rồi chị ôm con, hít hà hỏi trưa nay ăn được mấy bát cơm, ở lớp có ngoan không.
Bận bán hàng cả ngày không đón con được, chị phải để Yến Chi học bán trú ở trường Tiểu học Minh Khai, chiều lại nhờ người đón về. Có ngày không nhờ được ai, chị đành để sạp hoa quả lại cho mấy bà bạn hàng nước trông rồi tất tả lăn chiếc xe ba bánh đi đón con về. Nhiều hôm mẹ đến muộn, Yến Chi tan học cứ tha thẩn chơi ngoài sân trường, ghế đá.
Yến Chi ra đời phải sinh mổ, chỉ nặng 2 kg. Mẹ đẻ chị từ Ứng Hòa xuống chăm con và cháu ngoại hàng năm trời. Khi con gái cứng cáp, hai mẹ con dựa vào nhau và sạp hàng hoa quả để sống. Sinh con đã khó, nuôi Chi lớn lại càng vất vả, chỉ cần thay đổi thời tiết là cô bé ốm liên miên. Bù lại, cô con gái nhỏ rất thương và biết nghe lời mẹ. Nhiều lúc bận bán hàng mà con gái quấn quýt quá, chị nói với con: "Con không ngoan là mẹ không yêu đâu". Cô bé nghe mẹ nói thế, vội ôm lấy cổ chị rồi ngồi yên cho mẹ bán hàng. Nhiều hôm thấy mẹ mệt, con gái bảo chị đi nghỉ rồi tự học bài, học xong lên nằm với mẹ.
Vuốt mái tóc tơ của cô con gái bé bỏng, giọng chị xót xa: "Mẹ bận đi bán hàng cả ngày, ít thời gian chăm sóc nên con gái mới ốm yếu thế này". Chị nói, con gái là tất cả tài sản đối với chị. Yến Chi cũng chính là lý do để chị quyết định giã từ sự nghiệp thể thao, trở về thiên chức làm mẹ để chăm sóc con được tốt hơn.
Sáng sớm, đưa con gái đến trường cách nhà hơn 2 km xong, chị lại tất tả hòa vào dòng người xuôi ngược trên đường. Đến với góc phố quen thuộc, chị tự tay xếp bánh mì, hoa quả lên chiếc xe lăn đã cũ kỹ. Chiếc xe ấy Khoa mua với giá 2 triệu đồng cách đây cả chục năm. Chị không muốn bán vì đã gắn bó với nó từ lúc chị chưa bắt đầu đến khi kết thúc cả sự nghiệp thể thao. Giờ đây, nó được chị nhờ người ta đổ bê tông cố định ở đó để không bị mất cắp. Trên nóc xe có gắn một chiếc bạt nhỏ để người bán hàng tránh nắng mưa.
Cũng không biết nhờ có duyên hay góc phố này nhiều cây tỏa bóng mát mà sạp hàng của chị khá đông khách. Khoa cho hay, nhiều khách quen nhận ra chị từng xuất hiện trên báo chí, ồ lên hỏi chuyện. Chị chỉ cười đáp lại qua loa rồi tiếp tục với công việc của mình.Có nhiều người biết tiếng, lấy cái cớ mua hoa quả để xem mặt.
Người phụ nữ đứng tuổi tự nhận mình là fan một thời của Nhữ Thị Khoa cho hay, đi lễ chùa, thắp hương, bà đều mua hoa quả ở hàng chị. Bà trìu mến gọi Khoa là "con bé" và bảo: "Nó thi đấu cũng hay mà buôn bán cũng giỏi, bán hàng lại thật thà, cân kéo chính xác. Nó còn nuôi con nhỏ nên ai cũng thương". Nghe lời vị khách, Khoa chỉ mỉm cười không nói gì.
Thời gian trôi qua, vẫn góc phố ấy, con người ấy, nhiều khách vào mua hàng bởi quen mặt và thích thái độ niềm nở, chiều khách của chị chứ không biết chị từng là "cô gái vàng" một thời, đi đâu cũng được vinh danh."Gần chục năm rồi, hào quang ngày ấy giờ là dĩ vãng", đôi mắt người bán hàng bỗng trở nên xa xăm.
Những tấm HC vàng tiền ParaGames, ParaGames, chị Khoa vẫn cất cẩn thận trong tủ, còn quần áo thi đấu đã cho đi hết. Chị nhớ tất cả, từ giây phút luyện tập cùng đồng đội hay khoảnh khắc khoác lên mình màu cờ sắc áo đứng trên bục vinh quang: "Quên làm sao được những gì người ta từng trải qua".
Thi thoảng, chị vẫn tới Trung tâm huấn luyện thể thao chơi và gặp gỡ những người bạn từng thi đấu cùng. Huấn luyện viên Ngô Anh Tuấn và đồng đội xưa nhiều lần gợi ý chị quay trở lại luyện tập. Chị từ chối, bảo vẫn còn đam mê nhưng con gái quan trọng hơn. "Đi thi đấu thì phải bỏ nhiều thời gian, công sức tập luyện. Con còn nhỏ không ai chăm sóc, đưa đón nó đi học. Giữa đam mê và gia đình, chỉ có thể chọn một". Và chị chọn con gái.
Nhiều năm buôn bán, Khoa vẫn mong ước có một cửa hàng riêng để thuận lợi cho việc buôn bán và nuôi con gái ăn học. "Chặng đường ấy còn xa lắm...", chị để dở câu nói.
Hoàng Phương