Nhiều ngày nay, người đàn ông với gương mặt rắn rỏi, rám đen vì nắng gió luôn tay luôn chân với việc bón cơm, thay quần áo cho con trai đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những bệnh nhân ở khu vực hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Đó là anh Nguyễn Viết Thuân, Phó Lữ đoàn trưởng Đoàn 146, thuộc Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, đồng thời cũng là chủ tịch huyện đảo Trường Sa.
Nhập ngũ từ năm 1983, sau hơn một năm công tác ở biên giới phía Bắc anh quay về làm giảng viên ở Trường Sĩ quan lục quân sau đó chuyển công tác ra Trường Sa. Hơn 30 năm là người lính, cuộc đời của anh gắn với từng mảnh đất của huyện đảo tổ quốc. Thế nhưng, gần một tháng nay, anh vừa phải quán xuyến công việc ở đảo, vừa tất bật chạy qua chạy lại giữa Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) và Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) để lo cho vợ và con.
"Là người lính đảo, cuộc sống của tôi gắn liền nơi đầu sóng ngọn gió, đã quen với những tình huống khó khăn. Thậm chí có những lúc tính mạng con người như nghìn cân treo sợi tóc cũng có thể bình tĩnh xử lý. Nhưng giờ, thấy vợ con mình đau đớn thế này...", anh Thuân đưa mắt nhìn cậu con trai Nguyễn Viết Khuê, bỏ lửng câu nói.
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Huyền trông hom hem và già hơn so với tuổi 49. Vốn là giảng viên trường Cao đẳng y tế Khánh Hòa, hơn một năm nay chị phải rời bục giảng để chống chọi với căn bệnh ung thư vú. Vuốt những sợi tóc lưa thưa còn lại sau những lần hóa trị, chị bảo, gần 20 năm làm vợ người lính đảo, thời gian của anh Thuân ở nhà với vợ con cộng lại chỉ được khoảng 2 năm.
Từ việc nuôi dạy con cái, đến đổ móng làm nhà chị đều phải cáng đáng để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Dù phát hiện bệnh đã hơn một năm, nhưng chồng vẫn phải đi công tác ngoài đảo xa trong khi cậu con lớn chuẩn bị thi đại học, đứa kia thi lên lớp 10 nên chị cứ lần lữa. "Mãi đến đầu tháng 6 không thể chịu đựng nổi những cơn đau, tôi đành phải gửi con, thuê người đưa vào TP HCM nhập viện. Còn anh Thuân vì điện thoại không có sóng nên tôi không thể liên lạc được", giọng chị Huyền nhẹ hẫng như chất chứa sự tủi thân.
Hướng ánh mắt đầy chia sẻ về phía vợ, anh Thuân bảo, dù trụ sở cơ quan đặt ở Vịnh Cam Ranh, từ đó về TP Nha Trang cũng chỉ hết 1 tiếng chạy xe nhưng là chỉ huy trưởng, lại là chủ tịch huyện nên anh không thể về thăm nhà thường xuyên chưa kể những chuyến đi tuần tra, làm nhiệm vụ trên biển. Đầu tháng 7, sau khi kết thúc chuyến công tác ngoài biển gần một tháng, về đến đơn vị anh mới biết vợ nhập viện. Vậy là vội vội vàng vàng, anh đưa cậu con lớn Nguyễn Viết Khuê lên TP HCM dự thi đại học, đồng thời chăm sóc vợ đang nằm điều trị trong bệnh viện.
Sau lần vào thuốc, chị Huyền tiều tuỵ và yếu đi nhiều, lòng người lính đảo như có dao cắt. Anh cảm thấy như mình có lỗi trong nỗi đau mà vợ phải chịu đựng. Được nghỉ phép một tháng, như để bù đắp, anh Thuân ân cần lo từng giấc ngủ, miếng ăn cho vợ.
Sau khi chị Huyền kết thúc đợt hóa trị đầu tiên, Khuê cũng vừa thi xong đại học cả gia đình dự định sẽ về quê Thái Bình bởi suốt 20 năm qua anh chỉ đưa vợ con về thăm quê được một lần. Vậy mà, vừa về tới Nha Trang được 3 ngày thì Khuê kêu đau vai và ngực. "Lúc đầu tôi cứ nghĩ là do cháu học thi nhiều quá nên bị vậy. Đến khi đi khám thì bác sĩ cho biết có một khối u lớn đang nằm trong lồng ngực nên vợ chồng con cái tôi lại mang nhau vào TP HCM. Bệnh viện kết luận con trai tôi có một khối u lớn ở trung thất", giọng anh Thuân buồn rượi.
Nằm ở một góc ngoài hành lang bệnh viện, nuốt từng miếng cơm khó khăn, lâu lâu Khuê lại phải ôm ngực vì cơn đau bất chợt ùa về. Chàng trai có đôi mày rậm và ánh mắt thật sáng cho biết vừa hoàn thành kỳ thi đại học khối D1 vào ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Tôn Đức thắng và khối A vào ngành Truyền thông và mạng máy tính trường ĐH Công nghệ thông tin. Giấc mơ trở thành chàng kỹ sư công nghệ thông tin đang đến gần vì cậu hoàn thành bài thi khá tốt. Nhưng giờ đây, khi đối diện với bệnh tật, Khuê bảo chỉ mong sao mình vượt qua được ca phẫu thuật sắp tới.
"Mình dày dặn đã quen nên ước gì có thể gánh được nỗi đau của vợ con. Mỗi lần thấy cô ấy bước vào phòng hóa trị hay nhìn con ôm ngực, mình thấy bất lực quá", anh Thuân chia sẻ.
Nguyễn Loan