Chiều 20/8, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục với Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang xung quanh hai chủ đề đất đai và khoáng sản. Nhiều đại biểu liên tiếp đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước trong khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Theo đại biểu Danh Út, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, từ khi Luật Khoáng sản ra đời và có hiệu lực (tháng 7/2011), việc quản lý hoạt động khai thác có chuyển biến tích cực. Song, việc cấp giấy phép thăm dò trong 12 tháng qua có quá nhiều vi phạm với trên 50% giấy phép trong tổng số 957 giấy của địa phương "phạm luật". Các vi phạm thường thấy là không có chứng nhận đầu tư; không có đánh giá tác động môi trường… gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, đời sống dân sinh. Ông đề nghị Bộ trưởng Quang nói rõ thêm về tình trạng này và nêu biện pháp quản lý.
Thừa nhận sự phức tạp của hoạt động cấp phép, khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, năm 2013 Bộ đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra các địa phương. Kết quả xác định, trong số 957 giấy phép cấp tỉnh có 103 giấy cấp không đúng thẩm quyền, 128 giấy không qua đấu giá, 29 giấy cấp cho dự án chưa có đánh giá tác động môi trường…
Sau khi kiểm tra, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xử lý. Theo đó, Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị 9 tỉnh thu hồi các giấy phép theo quy định; 11 tỉnh thu hồi tại khu vực chưa có thăm dò, phê duyệt trữ lượng. Thời hạn để báo cáo về Bộ là hết tháng 11.
Nói thêm về hoạt động này, ông Quang khẳng định, việc khai thác vàng, đặc biệt là vàng sa khoáng ở các tỉnh miền núi, ảnh hưởng lớn tới môi trường, phá hoại sản xuất… Gần đây, các địa phương cũng đã nhìn ra thiệt hại. Về vấn đề cát sỏi (đầu sông), khai thác cát xây dựng, ông Quang cho biết, có tới hơn 30 tỉnh vi phạm và trách nhiệm thuộc thẩm quyền địa phương. Ở cấp Bộ, ông khẳng định, toàn bộ giấy phép của Bộ Tài nguyên Môi trường đều đúng quy định pháp luật.
Ngay sau câu trả lời của Bộ trưởng Tài nguyên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị những địa phương cố tình làm trái phải hết sức rút kinh nghiệm. Dù danh sách các địa phương này hiện “không tiện nêu” song bà Ngân yêu cầu Bộ trưởng Quang cung cấp cho đại biểu Danh Út đồng thời báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm.
Về vấn đề công bố khu vực khai thác khoáng sản nhỏ lẻ mà nhiều đại biểu địa phương quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay, Bộ đã công bố 84 khu vực khắp cả nước. Ông nêu thực trạng nhiều tỉnh “rất hăng hái”, đề nghị cấp phép nhiều.
“Thế nhưng quan điểm của Bộ là đề nghị các tỉnh hết sức kiềm chế. Tôi xin có thông điệp là với khoáng sản nhỏ lẻ, càng đào bới bao nhiêu chúng ta càng thiệt hại bấy nhiêu. Sau khi về, tôi thấy thời kỳ ở tỉnh mình sai lầm”, ông Quang chia sẻ. Trước khi đảm nhiệm cương vị đứng đầu ngành tài nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang từng nhiều năm trải qua các cương vị lãnh đạo ở một địa phương miền núi phía bắc.
Ông cũng cho biết thêm, hoạt động khai khoáng với các khu vực nhỏ lẻ mang lại rất nhiều thiệt hại. Sự thẳng thắn và cách dùng từ của Bộ trưởng khiến nhiều đại biểu phải bật cười.
Tuy nhiên, chia sẻ của Bộ trưởng chưa làm thỏa mãn các đại biểu. Theo đại biểu Trần Xuân Vinh, việc chậm công bố các khu vực khai thác khoáng sản nhỏ lẻ gây khó khăn cho địa phương trong việc bảo vệ, khai thác. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Quang giải thích rõ hơn vì sao đề nghị các tỉnh bình tĩnh, kiềm chế đồng thời đưa ra thời hạn công bố.
Đáp lời đại biểu Vinh, ông Quang khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản thực tế là không kiểm soát được. Dù theo thẩm quyền các tỉnh có quyền cấp phép khai thác nhưng ông Quang đề nghị cần cân nhắc. “Dù các địa phương đề nghị nhiều nhưng tinh thần chung là đề nghị các đồng chí hạn chế. Chúng ta phải cân nhắc khi cấp phép khai khoáng thì Nhà nước được cái gì, nhà đầu tư, người dân được gì? Khi khai thác, chúng ta hãy nghĩ đến môi trường, nghĩ đến tài nguyên cho thế thệ sau”, Bộ trưởng Quang nói rõ hơn ý của mình.
Trả lời đại biểu La Ngọc Thoáng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, vấn đề định giá đất hiện còn bất cập. Thời gian quan, một số doanh nghiệp bất động sản hoạt động theo kiểu “tay không bắt giặc”, góp phần khiến giá đất trở nên “không bình thường một chút nào”. “Trong luật đất đai sửa đổi, về vấn đề giá đất, tôi và các đại biểu hết sức trăn trở. Phải cố gắng giá tính thế nào để đảm bảo người dân không thiệt thòi. Tới đây giá thị trường sẽ ổn định hơn rất nhiều chứ vừa qua giá chỉ là giá đầu cơ”, ông Quang nói. |
Cũng liên quan tới chủ đề này, đại biểu Hà Sơn Nhin, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, muốn người đứng đầu ngành tài nguyên làm rõ trách nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Khoáng sản. Bởi sau hơn 2 năm luật này có hiệu lực, nhiều vấn đề chưa được hướng dẫn.
Theo Bộ trưởng Quang, thực tế đã có một số nghị định được ban hành, trong đó có nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. “Bộ Tài nguyên Môi trường đã chuẩn bị và trình Chính phủ để sắp tới ban hành một số thông tư. Chúng tôi sẽ cố gắng trong năm nay hoàn thành các văn bản hướng dẫn. Tôi xin hứa như vậy”, ông Quang nói.
Trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đưa ra một lời hứa khác, đó là hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào 31/12/2013 theo nghị quyết 30 của Quốc hội. Với tiến độ đã đạt trên 83%, song để hoàn thành mục tiêu trên 85%, ông Quang cho rằng cả Bộ Tài nguyên lẫn các địa phương cần tập trung chỉ đạo, dồn sức hơn nữa.
“Đề nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tỷ để hoàn thành công tác này và chỉ cho các tỉnh khó khăn thôi”, ông nói.
Nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng Tài nguyên là bám sát nội dung đồng thời phân tích thêm tình hình, đưa ra giải pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng nỗ lực nhiều hơn để đạt mục tiêu đề ra của Quốc hội và mong muốn của cử tri. Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu 85% không hề đơn giản, Bộ trưởng và ngành tài nguyên cần tăng cường tham mưu, đề xuất giải pháp cho Chính phủ.
Đối với vấn đề khoáng sản, Phó chủ tịch Quốc hội nhắc Bộ trưởng Tài nguyên tăng cường chỉ đạo nghiêm túc thực hiện, quan tâm việc cấp giấy chưa đúng quy định, ảnh hưởng môi trường, đời sống nhân dân cũng như việc chậm hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản… Đồng thời, công tác điều tra cơ bản cần công bố thông tin công khai minh bạch.
“Đề nghị Bộ trưởng thực hiện lời hứa trước Quốc hội”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại phần chất vấn.
Nguyễn Hưng