Trao đổi với VnExpress.net sáng 16/9, bác sĩ Nguyễn Hữu Đức, Trưởng khoa mắt Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết bệnh đau mắt đỏ đang phát triển thành dịch và lan nhanh ở các trường học, xí nghiệp, nhà máy thủy sản có đông công nhân. Tuần trước một ngày có 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ đến bệnh viện khám, nay tăng lên hơn 70 người và mức độ viêm nhiễm trầm trọng hơn, gây sưng, phù nề quanh mắt.
Theo ông Đức, cùng kỳ năm ngoái bệnh đau mắt đỏ cũng tăng nhưng không đột biến như năm nay. Nguyên nhân được cho là do môi trường không khí ô nhiễm, mang mầm bệnh. Điều kiện vệ sinh cá nhân của các thành viên trong gia đình có người bị bệnh đau mặt đỏ không được thực hiện tốt cũng góp phần lây bệnh rồi tiếp tục lan nhiễm cho cộng đồng dân cư xung quanh.
"Bệnh có thể tự khỏi sau 7-12 ngày nhưng người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, mua thuốc điều trị theo toa của bác sĩ nhằm đề phòng biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân không nên tự mua thuốc điều trị hay đắp lá cây vì dễ gây bội nhiễm. Người bệnh đau mắt đỏ nên điều trị cách ly, tránh tiếp xúc nhiều với người thân vì virus dễ lây lan", ông Đức khuyến cáo.
Tại TP Cần Thơ, tuần qua bệnh nhân đau mắt đỏ đến các bệnh viện tăng đột biến. Khoa mắt Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận 60-70 trường hợp mỗi ngày. Con số này tại Bệnh viện Mắt - Răng hàm mặt Cần Thơ lên đến hơn 100 người.
Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết mỗi ngày bệnh viện khám 30-50 trẻ bị đau mắt đỏ, tăng 3-4 lần so với những tháng trước. Theo ông Sơn, nhiều trẻ em đau mắt nhưng cha mẹ vẫn cho đến trường đã lây cho các bạn cùng lớp.
Ngành y tế các tỉnh ĐBSCL nhận định, có thể 2 tuần nữa bệnh đau mắt đỏ sẽ lắng xuống và giảm hẳn vào giữa tháng 10. Tại TP HCM, bệnh đau mắt đỏ được cho là cũng bùng phát mạnh như miền Tây.
Duy Khang - Trà Giang