Sáng 31/7, Thành ủy, UBND Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thủ đô (từ 1/8/2008).
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ôn lại những ngày đầu Hà Nội sáp nhập với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình). Từ một thủ đô nhỏ bé, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.328 km2, lớn gấp 3 lần trước đây, dân số tăng lên 6,2 triệu người.
Ngay sau khi Quốc hội quyết định, chính quyền Hà Nội đã khẩn trương sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn hệ thống, đảm bảo các mặt đời sống xã hội của người dân, doanh nghiệp không bị trở ngại. Tiếp đến là khớp nối các quy hoạch, chỉnh sửa hàng loạt chính sách để điều hành thống nhất.
Trong 5 năm, tình hình trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp, suy thoái, khủng hoảng kinh tế, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Kinh tế thủ đô tăng trưởng theo hướng tích cực, tổng sản phẩm GDP chiếm trên 10% cả nước, tốc độ bình quân hàng năm đạt 9,5%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước.
Thành phố đã xây dựng nhiều công trình giao thông, cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông đô thị. Nhiều dự án đầu tư khu đô thị mới tạo diện mạo mới cho thủ đô, đáp ứng nhu cầu nhà ở của hàng nghìn người. Khu vực nông nghiệp được đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, nhiều địa bàn được đầu tư lớn gấp 10 lần trước đây, nhờ đó bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2012 đạt 21 triệu đồng, gấp 2,6 lần trước khi sáp nhập.
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, những thành tựu, kết quả của thủ đô đạt được sau 5 năm mở rộng có ý nghĩa quan trọng. Nhiều lo lắng, băn khoăn đặt ra trước và sau khi sáp nhập đã được giải tỏa, cho thấy tính đúng đắn của một quyết định mang tính lịch sử.
"5 năm trước bên cạnh chúng ta chưa có Bảo tàng Hà Nội, trường chuyên Hà Nội Amsterdam mới, trung tâm thể thao chất lượng cao, vành đai 3 trên cao, đại lộ Thăng Long... hiện nay chúng ta đã có bao công trình, bao đổi thay trên thành phố của chúng ta", ông Phạm Quang Nghị nhận xét.
Bí thư Thành uỷ cũng đưa ra nhiều mặt tồn tại mà Hà Nội chưa giải quyết được như tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, thu hút đầu tư nước ngoài chưa xứng với tiềm năng, nhiều quy hoạch treo, dự án triển khai chậm gây lãng phí, thiếu đầu tư cho trường học, bệnh viện, nghĩa trang, xử lý rác thải... Vẫn còn tình trạng tiêu cực, vòi vĩnh, né tránh việc khó làm cho bộ máy kém năng động, gây bức xúc cho nhân dân khiến thành phố bị xếp thứ hạng thấp về năng lực cạnh tranh (PCI).
"Chúng ta không thể không nhận trách nhiệm trong nhiều trường hợp đã chấp nhận dễ dãi các dự án xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, đầu tư bất động sản phát triển nóng dẫn tới cung vượt cầu, khiến thị trường đóng băng", Bí thư Hà Nội trăn trở.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định Hà Nội có đã đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông như xây dựng vành đai 1,2,3 và nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ quan trọng, các cây cầu vượt sông như Nhật Tân, Phù Đổng, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh đã và sắp hoàn thành, xe buýt mở rộng mạng lưới với 86 tuyến, vận chuyển được hơn 500 triệu lượt khách mỗi năm.
Theo ông Hùng, tai nạn giao thông hàng năm tại Hà Nội đều giảm cả 3 chỉ tiêu, nội đô thành phố đã giảm ùn tắc từ 124 điểm xuống còn 67 điểm.
Đánh giá về dấu mốc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mỗi chúng ta đều thấy vinh dự tự hào khi thực hiện quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng này. Đây là lần mở rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do yêu cầu phát triển đi lên của thủ đô, của đất nước.
Ông biểu dương chính quyền và nhân dân thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách trong và ngoài nước, đạt được những kết quả kinh tế xã hội quan trọng, tạo ra biến chuyển tích cực, hình thành diện mạo mới của thủ đô khang trang hơn, đàng hoàng hơn.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở chính quyền thủ đô giải quyết những hạn chế, bất cập đã được Bí thư thành ủy nêu ra, yêu cầu lãnh đạo các cấp không được chủ quan, thỏa mãn các kết quả đã đạt được trong 5 năm qua. Các ngành cần nghiêm túc phân tích nguyên nhân của khuyến điểm để tìm cách khắc phục, tạo niềm tin trong nhân dân.
"Chặng đường phát triển thủ đô có không ít thách thức, Hà Nội phải là trung tâm kinh tế lớn, động lực kinh tế của vùng trọng điểm Bắc bộ và của cả nước. Thủ đô phải là nơi tập trung các ngành dịch vụ chất lượng cao, kỹ thuật cao, hàm lượng chất xám lớn, nông nghiệp phát triển bền vững, cũng là trung tâm văn hóa lớn tiêu biểu của cả nước. Hà Nội cần phát triển đồng đều giữa thành thị và nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đoàn Loan