Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương (NCHMF), 7h sáng nay phát đi thông báo, tâm bão trên khu vực phía tây nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 280 km về phía đông; sức gió tối đa 149 km một giờ (cấp 13).
Sáng mai, tâm bão ở trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi, với sức gió tối đa 133 km một giờ (cấp 12). Sau đó bão di chuyển theo hướng tây và đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc NCHMF nhận định, bão Nari mạnh tương đương bão Xangsane đổ bộ năm 2006 và bão Wutip (số 10) vừa qua. Khi tiếp cận bờ bão có thể giật cấp 15.
Ông Tăng cho biết, Nari là cơn bão có diễn biến phức tạp, các đài khí tượng quốc tế đưa ra nhiều dự báo khác nhau về vị trí bão đổ bộ. Đài Khí tượng Hải quân Mỹ, dự báo bão đi vào Quảng Nam – Đà Nẵng; Hong Kong dự báo bão vào Thừa Thiên Huế; còn Đài Khí tượng Nhật Bản dự báo tâm bão sẽ ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).
"Chúng tôi nhận định khả năng lớn bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Huế vào Quảng Nam", ông Tăng nói.
Theo ông Tăng, nếu bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam thì thời gian dự kiến sẽ là sáng sớm đến gần trưa ngày mai (15/10). Nếu tâm bão chếch lên phía bắc tức là bão đi vào các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, thì thời gian dự kiến bão đổ bộ sẽ muộn hơn vào trưa hoặc chiều 15/10. Còn tâm bão là Quảng Bình, thì bão đổ bộ vào khoảng đêm 15, sáng 16/10.
Dựa vào thời gian dự kiến bão đổ bộ trên thì các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế cần hoàn tất các công việc chuẩn bị phòng chống bão trong tối nay. Quảng Trị, phía Bắc Thừa Thiên- Huế phải hoàn tất trước 7-8 sáng ngày 15/10. Quảng Bình xong trước chiều ngày 15/10.
Các tỉnh miền Trung sẽ có mưa lớn trên diện rộng, mưa lớn sẽ bắt đầu từ trưa và chiều nay và kéo dài đến ngày 16-17/10. Một số nơi ở Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An có lượng mưa 200-300 mm.
Để đối phó với bão Nari, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh, thành phố kiên quyết kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm di chuyển vào bờ đồng thời tập trung tổ chức, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để lại người ở tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Đồng thời, các địa phương cần kiểm tra, đôn đốc các hồ vận hành xả nước phù hợp với tình hình thực tế, riêng các hồ chứa không đảm bảo an toàn thì không được tích nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các tỉnh, thành phố gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cần hoàn thành công tác phòng chống bão Nari trước 19h ngày hôm nay và căn cứ tình hình thực tế có thể cho học sinh nghỉ học vào ngày 15/10. Riêng tỉnh Quảng Bình nên triển khai sơ tán người già, trẻ nhỏ ở khu vực nguy hiểm trước 19h tối nay.
Mặc dù khả năng đổ bộ của bão không ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh, nhưng do tác động của hoàn lưu sau bão, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có mưa lớn. Ngày 12/10 Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã có công điện số chỉ đạo các địa phương và các ngành chủ động triển khai đối phó với bão Nari.
Hiện nay hầu hết các hồ chứa ở tỉnh Hà Tĩnh đã tích đầy nước, nếu tiếp tục mưa lớn thì nguy cơ mất an toàn đập là rất cao. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu các hồ có cửa điều tiết sâu như Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn...cần phải tính toán và chủ động xã lũ đảm bảo đúng quy trình được duyệt, đặc biệt tập trung cho điều tiết xả lũ liên hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên. Đồng thời, tại các huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực sông, hạ du hồ chứa công trình thuỷ điện Hố Hô, Kẻ Gỗ là những trọng điểm cần tập trung chỉ đạo sơ tán dân cư.
Tại Nghệ An, chiều 13/10 Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các Sở ban ngành tập trung phương án đối phó với bão. Công điện yêu cầu triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa; các chủ hồ vận hành xả lũ theo đúng quy định, khi xả lũ thì thông báo trước với vùng hạ lưu theo quy định để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản.
Hương Thu - Hải Bình