Thạc sĩ Bùi Quốc Nghĩa (Phó Phòng Thuỷ - Hải văn công trình, Phân viện Vật lý tại TP HCM): Áp đặt dự án thuần tuý kỹ thuật không chú ý đến điều kiện tự nhiên và xã hội.
Mặc dù thành phố chưa có quy hoạch thoát nước được duyệt, nhưng dự án này cần phù hợp với tổng thể thoát nước của TP HCM, nghĩa là cần có dự báo lưu lượng nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất ở các giai đoạn 2010-2020 để tính chính xác đường kính các tuyến ống thoát nước, cống bao, ưu tiên mua sắm trong nước, tận dụng tối đa tư vấn trong nước để giảm chi phí đầu tư.
Ngoài ra dự án chưa có đánh giá thuỷ văn thuỷ lực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL - TN) một cách đầy đủ; số liệu địa chất công trình trong lưu vực rất ít, không đủ dữ liệu cần thiết cho việc mô tả thành phần địa chất để đánh giá các giải pháp thiết kế cũng như giải pháp thi công các hạng mục. Riêng việc bơm nước thải chưa được xử lý vào sông Sài Gòn cần được đánh giá kỹ hơn về tác động môi trường và các giải pháp trong tương lai.
Không thể áp đặt giải pháp thuần tuý kỹ thuật không chịu chú ý điều kiện tự nhiên và xã hội.
Ông Phan Châu Thuận (Giám đốc Ban quản lý dự án): Các nhà khoa học có ý kiến là rất tốt.
Dự án nghiên cứu khả thi xây dựng cải tạo NL - TN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại buổi thẩm định luận cứ khoa học - công nghệ môi trường TP HCM (hội đồng gồm đại diện các nhà khoa học, các trường đại học và các sở ngành khác), các nhà khoa học cũng có đưa ra những phản biện, luận cứ yêu cầu giải trình, nhưng cuối cùng khi bỏ phiếu kín để chấm điểm tất cả đều cho số điểm tối đa. Song song đó Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng tổ chức hội thảo để thẩm định đầu tư và tài chính dự án. Phía Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá chất lượng dự án khá cao và cho vay trước 2 triệu USD.
Việc các nhà khoa học có ý kiến theo tôi là rất tốt, nhưng cần trao đổi trực tiếp, chúng tôi sẽ làm việc với nhà tư vấn để họ có trả lời chính xác.
Về những khác nhau giữa nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, dự án nghiên cứu tiền khả thi do Công ty Thoát nước đô thị làm tư vấn lập mới chỉ mang tính định hướng chưa có nghiên cứu sâu.
Kỹ sư Lê Ngọc Khánh (Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và dịch vụ - CENTEC): Dự án đã được phê duyệt chi phí quá lớn, dự kiến kết quả tương đối ít. Cho nên theo tôi cần xem xét đến các đề xuất khác.
Nhóm các nhà khoa học thuộc trung tâm CENTEC và Hội Vật lý TP HCM, đã nghiên cứu và đề xuất một giải pháp khác mà kinh phí chỉ bằng một nửa kinh phí xây dựng cống bao, trạm bơm và cửa xả ngầm của dự án vệ sinh môi trường thành phố. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ đề xuất UBND TP HCM và Chính phủ xem xét bổ sung giải pháp trên đây vào dự án để dự án mang lại hiệu quả cao hơn mà không cần tăng thêm kinh phí thực hiện dự án đã phê duyệt.
Phương án thoát nước và xử lý nước thải lưu vực kênh NL - TN do kỹ sư Lê Ngọc Khánh đề xuất, công nghệ thực hiện hai nhiệm vụ sau:
Thoát nước: Xây các mạng lưới cống lớn, nhỏ đủ để nước thải và nước mưa kịp thoát ra kênh, sông với thời gian ngắn nhất không làm đường phố bị ngập.
Xử lý nước thải: Chỉ thực hiện khi không có mưa, khi mưa nên cho thoát nhanh ra kênh, sông vì nước thải chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Việc xử lý có thể thực hiện hiệu quả và chi phí xây dựng thấp bằng công nghệ mới sử dụng ba loại chế phẩm (C1, C2, C3) tác động trong ba công đoạn xử lý nối tiếp nhau: chế phẩm C1 được pha vào nước thải tác động lên các ion kim loại nặng và nhiều chất hữu cơ làm chúng trở nên không hòa tan trong nước; chế phẩm C2 là hỗn hợp chất trợ lắng, keo tụ và liên kết với C1 để làm cặn kết tủa lắng nhanh; chế phẩm C3 là hỗn hợp oxy hóa, khử mạnh nhằm chuyển hóa phân giải các khí lẫn trong nước chuyển thành CO2 và khí dễ bay hơi thoát ra khỏi nước.
Để bố trí, xây dựng một số bồn chứa các chế phẩm dọc theo các cống thoát nước, bắc các ống nhựa có lỗ phun dọc bên trong cống và phun tự động chế phẩm C1 vào nước thải. Nhờ nước chảy, C1 được trộn đều và tác động lên các chất gây ô nhiễm. Cách cửa xả ra kênh 20-30 m xả chất C2 làm lắng nhanh cặn chất thải dồn lại ở bể lắng, còn nước trong chảy theo mặt nghiêng xuống kênh. Tại mặt nghiêng từ lỗ phun liên tục đưa chất oxy hóa vào, các khí sinh ra sẽ bay lên. Dự kiến xây dựng trên 1.000 bồn chứa chế phẩm đủ nạp cho 280 km cống nhỏ và 38 km cống lớn. Theo hệ thống này, sẽ không cần xây dựng cống bao ngầm dưới lòng kênh và cũng không cần trạm bơm từ cửa ngầm ra sông Sài Gòn mà chỉ tu chỉnh lại các cửa xả nước ra kênh NL - TN. Theo tính toán, việc lập hệ xử lý này chỉ tốn kinh phí bằng 50% các hạng mục cống bao, trạm bơm và cửa ngầm.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, 13/4)