Cách thủ đô Hà Nội 16 km, đời sống nhiều gia đình ở làng Trổ (thôn Quảng Yên, Yên Sơn) khá túng bấn. Họ phần lớn không nghề nghiệp, ít học hành. Năm trong số 6 người thiệt mạng trong vụ cháy bar tại Zone 9 hôm 19/11 là người làng này, gồm vợ chồng anh Nguyễn Văn Chí và chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ chồng anh Nguyễn Phú Chì và chị Nguyễn Thị Bảy, cùng cháu ruột anh Chì là Nguyễn Phú Hải. Chiều 20/11, cả làng đã đưa tro cốt những người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng.
Căn nhà cấp 4 hai gian của vợ chồng Chí - Hạnh tường loang lổ, dán đầy giấy báo. Phòng chính hơn chục mét vuông là nơi ở của bố mẹ anh Chí, vợ chồng anh và 2 con sinh hoạt trong gian buồng chừng 7m2. Cách đây 2 năm, bố anh Chí qua đời, hai cháu nhỏ ra ngủ cùng bà nội, cặp vợ chồng trẻ mới có một chút không gian riêng.
"Mang tiếng là ở chung nhà nhưng tôi ăn riêng. Vợ chồng nó đi làm còn chưa đủ nuôi con, lấy đâu mà phụng dưỡng", bà Điểm (69 tuổi) mẹ anh Chí nói không ra hơi.
Anh Chí (34 tuổi), là con út của bà Điểm, lập gia đình với chị Hạnh (30 tuổi). Của hồi môn bố mẹ cho là vài sào ruộng, họ phải kiếm thêm bằng nghề thợ xây. Thứ đáng giá nhất trong căn nhà họ ở là cái tivi cũ rích.
"Bố mẹ mất, hai đứa con chúng nó cùng lúc phải mặc 2 áo tang. Nhà nghèo không biết các cháu sẽ sống sao đây", bà Nhung, chị gái anh Chí, cùng gia đình từ Lạng Sơn về Hà Nội nhưng không kịp nhìn mặt em lần cuối, khóc lóc vật vã.
Căn nhà đối diện của nạn nhân Nguyễn Phú Hải (22 tuổi) cũng ảm đạm không kém. Hơn 10 năm trước, bố Hải qua đời vì bệnh gan. Bà Lan, mẹ Hải, bị thoát vị đĩa đệm không thể làm việc đã hai năm nay. Hải đang tuổi ăn tuổi lớn đi làm nuôi mẹ.
Hai chị em Hải chỉ học hết lớp 9 nên khó làm công nhân, đành trông chờ được gọi đi làm thợ xây kiếm tiền. "Hôm đó, Hải không muốn đi làm vì nó có đám cưới bạn. Nhưng nghĩ mẹ không có tiền mua thuốc nên thằng bé đi trong khi đang mặc chiếc áo sơ mi đẹp", một người hàng xóm kể.
Chồng chết, bà Lan ở vậy nuôi con. Con gái lớn đã lấy chồng, bà trông cậy vào con trai. Tin Hải chết đột ngột khiến bà điên điên tỉnh tỉnh, chân co rút không đi lại được. Chiều 20/11, tro cốt con trai về làng, bà được hàng xóm dìu ra tiễn con đến nơi chôn cất, nhưng bà ngất trên đường và buộc phải về giữa chừng.
Nỗi đau của người thân vợ chồng anh Chì (40 tuổi) và chị Bảy (38 tuổi) như đè nặng lên căn nhà nhỏ chừng 8 m2. Chiếc chiếu rộng 1,6 m, dài 2 m choán mất hai phần ba căn nhà. Bàn dâng hương đặt gần cửa ra vào. Gác xép là chỗ ngủ của hai cô con gái.
Bà Lượt (78 tuổi) mẹ của anh Chì không khóc được nữa. Bà sinh 8 người con 3 gái, 5 trai, các con gái đều lấy chồng xa, 5 người con trai lấy vợ sinh con ở quê nhà. Những năm gần đây bà lần lượt tiễn đưa một người con bị gan (bố nạn nhân Nguyễn Phú Hải), người bị thần kinh và nay vợ chồng anh Chì bị tai nạn.
"Nhà có 1,5 sào ruộng, vụ này mất mùa không đủ trả thuế. Vợ chồng nó sống nhờ vào nghề đi xây, có việc thì đi không có thì ở nhà. Đang còn sức khỏe nhưng vợ chồng nó làm không đủ nuôi 2 đứa con", bà Lượt nói.
Con gái lớn của anh Chì tên Trang bỏ học từ khi hết cấp hai, lúc nào có người gọi thì đi cắt chỉ cho xưởng may trong vùng. Con gái nhỏ tên Diệu đang học lớp 9. Căn nhà 8 m2 này gia đình anh Chì mượn của người anh để ở.
Theo ông Phạm Thanh Sơn (trưởng thôn Quảng Yên), từ khi có những dự án vắt qua làng, người dân không còn đất trồng cấy, đại đa số đi làm nghề xây chứ không còn nghề nào khác. Ba gia đình có người mất cũng chật vật lắm mới thoát khỏi diện nghèo.
"Lịch sử làng tôi chưa bao giờ có trận đại tang thế này. 5 người chết cùng lúc là cú sốc vô cùng lớn với dân làng. Rồi đây, không biết những đứa trẻ còn lại sẽ sống ra sao khi những trụ cột gia đình đột ngột lìa xa", ông Sơn trầm ngâm nói rồi hòa vào dòng người đưa tang.
Gia cảnh 5 nạn nhân vụ hỏa hoạn
Phan Dương