Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau giai đoạn 1 chạy thử tại bến xe Kim Mã, việc thử nghiệm trên tuyến sáng nay thuộc giai đoạn 2 của kế hoạch nhằm giúp lái xe bước đầu làm quen với lộ trình, vị trí, thực hành dừng đỗ tại các trạm chờ, thao tác chính xác việc mở, đóng cửa đón trả khách.
“Qua đây chúng tôi kiểm tra và phát hiện những bất hợp lý để sửa đổi hoàn thiện trước khi đưa vào hoạt động chính thức”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị Hà Nội nói.
Sau khi thử nghiệm ngày 17/12, việc thử nghiệm trên đường sẽ tăng dần tần suất thực hiện, lần lượt vào các khung giờ thấp điểm và cao điểm. Phương án tổ chức giao thông ưu tiên làn đường dành riêng cho BRT cũng sẽ được thử nghiệm áp dụng từ ngày 25/12 với sự tham gia điều tiết giao thông của các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông.
Trong buổi họp rút kinh nghiệm sau buổi chạy thử trên đường, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội yêu cầu trước 25/12, cơ bản các hạng mục hạ tầng trên tuyến phải hoàn thành bao gồm việc lắp đặt biển báo, sơn kẻ vạch phân làn giao thông, vệ sinh, lắp đặt thiết bị đóng mở cửa tại 16 trên tổng số 23 nhà chờ. Đồng thời, bổ sung các biển hướng dẫn, thông tin cho hành khách, hoàn thiện việc kết nối với các cầu vượt đi bộ.
“Toàn bộ đoàn xe 35 chiếc cũng phải hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm trước ngày 25/12”, lãnh đạo Sở Giao thông chỉ đạo.
Người đứng đầu ngành giao thông thủ đô cho rằng, với thực trạng hạ tầng hiện nay, trước mắt BRT được xác định sẽ hoạt động trong điều kiện ưu tiên tối đa bằng hệ thống đèn tín hiệu, mà chưa có kết nối với hệ thống điều khiển giao thông thông minh và soát vé tự động.
Lãnh đạo Sở Giao thông cho rằng, BRT là loại hình vận tải hành khách công cộng mới được triển khai thí điểm với mức độ ưu tiên hơn so với các phương tiện cá nhân, vì vậy không tránh khỏi ảnh hưởng đến giao thông dọc tuyến. Tuy nhiên, đây là mục tiêu chung của dự án để từng bước khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân, hạn chế tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, vì vậy rất cần sự ủng hộ của người dân Hà Nội.
Dự kiến, trong tuần tới, Sở Giao thông Hà Nội sẽ tổ chức cuộc họp để giải đáp các thông tin liên quan đến tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa.
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng. |
Võ Hải