Tiến sĩ Phan Kế Long, Phó giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho biết, thời gian chế tác có thể kéo dài từ một đến một năm rưỡi, vì mẫu vật khá lớn.
Các chuyên gia Đức đánh giá, xác rùa hồ Gươm không ở trạng thái tốt nhất, có thể do không xác định được thời gian chết nên quá trình bảo quản sau đó không được hoàn hảo. Ngay khi đến Việt Nam, họ đã bảo quản một số vị trí mẫu vật bị phân hủy nghiêm trọng.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao yêu cầu các đơn vị liên quan lưu giữ mẫu vật để phục vụ nghiên cứu và tìm nguyên nhân rùa chết, nhưng không được ảnh hưởng đến quá trình chế tác và lấy mẫu càng ít càng tốt.
Chương trình bảo tồn rùa châu Á cũng tham gia vào việc lưu giữ một số mẫu AND của cụ rùa phục vụ nghiên cứu. Tổ chức này cho rằng, cơ hội nhân bản loài rùa mai mềm đã không còn vì các mẫu mô lấy được không đáp ứng yêu cầu.
Rùa hồ Gươm sẽ được lưu giữ bằng phương pháp nhựa hóa. Đây là phương pháp hiện đại nhất thế giới không chỉ giúp nguyên vẹn mẫu vật mà còn giữ được xương. Với công nghệ này, mẫu vật sẽ sát thực nhất với mẫu sống, không mùi và độ bền cao. Nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó một loại nhựa đặc biệt. Nhựa sẽ thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ nguyên cấu trúc.
Rùa hồ Gươm chết chiều 19/1. Năm 2011 rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn 3 tháng, sau đó được trả về hồ. Khi đó, chiều dài toàn thân rùa là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, dài đuôi 35 cm, nặng 169 kg. Nguyên nhân rùa chết được cho là già yếu, bởi con rùa sống lâu nhất thế giới 180 năm, trong khi rùa hồ Gươm ước tính 200 tuổi.
Phạm Hương