- Trong hồ sơ xin vào làm ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông có bằng cử nhân, thạc sĩ của các đại học ở Anh, Bỉ, Trung Quốc... Vì sao ông không xin làm việc ở nước ngoài mà về nước làm công chức tập sự?
- Tôi có đam mê chính trị từ nhỏ nên mơ ước được làm việc trong các tổ chức quốc tế, phi chính phủ. Lúc đầu tôi không có ý định làm việc cho cơ quan nhà nước Việt Nam, nhưng sau thời gian học tập và thực tập ở nước ngoài, tôi tin rằng những tổ chức quốc tế không thể có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách nội địa.
Khi làm thạc sĩ ở Bỉ, tôi được đi cùng đoàn Đại biểu Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, giúp phiên dịch cho đoàn ở ngoài các buổi họp. Sau đó, tôi cũng tìm hiểu chuyên sâu về Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long. Bài luận thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) tôi cũng viết về Phát triển nông thôn tại Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi đi thực địa tại Cần Thơ và một vài tỉnh lân cận.
Tôi làm đơn xin vào làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng lúc nộp đơn xin học tiếp tiến sĩ tại Đại học Tokyo. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Trung Quốc, tôi về nước công tác. Khi được đại học Tokyo chấp nhận, tôi được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho cơ hội tiếp tục học tiến sĩ. Ngược lại, tôi sẽ giúp Ban chỉ đạo quảng bá hình ảnh và thúc đẩy đầu tư từ phía Nhật Bản.
Do không làm việc tại văn phòng nên tôi đã quyết định không nhận lương và tự đóng bảo hiểm để tránh dư luận.
Tôi hoàn toàn có thể gia nhập các công ty hoặc mở công ty riêng, cơ hội kiếm tiền dễ dàng hơn và không bị ràng buộc trong nhiều mặt như khi làm chính trị. Tham gia vào công chức và chính trị là quyết định cá nhân tôi, không chịu bất cứ ràng buộc và áp lực nào khác. Tôi chỉ muốn được tham gia và đóng góp phần nào cho công cuộc đổi mới phát triển của Việt Nam trong tương lai, chứ không có ý vào chính quyền để lợi dụng chức danh cho lợi ích riêng như một vài nguồn tin đã đặt nghi vấn.
- Vì sao ông nộp đơn học tiếp tiến sĩ tại Đại học Tokyo trong khi đang có mong muốn đóng góp cho đất nước?
- Tham gia chính trị ở Việt Nam, bằng tiến sĩ rất được tôn trọng. Việc học tiến sĩ đương nhiên là một trong những hướng đi tôi đặt ra. Đại học Tokyo là một trường nổi tiếng nên khả năng tôi được trúng tuyển cũng thấp. Tôi nộp đơn xin việc, xin học vào nhiều nơi, chứ không chỉ một chỗ và chờ hồi âm. Đây là điều rất bình thường mà tất cả học sinh trên thế giới làm.
- Ông làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhưng chủ yếu học ở nước ngoài. Sau 17 tháng, ông được bổ nhiệm chức Vụ phó Kinh tế tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ông nghĩ gì về nhận xét "thời gian bổ nhiệm quá nhanh và chưa đúng quy trình"?
- Về quy trình bổ nhiệm, đây là công việc của ban ngành và tổ chức. Là một công chức viên, tôi chỉ nhận nhiệm vụ và cố gắng làm hết sức mình. Tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội tốt để giúp xúc tiến đầu tư về khu vực. Trong các cuộc gặp doanh nghiệp Nhật, đa số họ vẫn tập trung và có ham muốn đầu tư vào TP HCM và Hà Nội hay các tỉnh thành ven. Là đại diện cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và sau đó Cần Thơ, tôi đã cho họ những số liệu thông tin thực tế, ý kiến góc nhìn khác về thị trường mở, tiềm năng rộng lớn, mức độ tăng trưởng cao và độ cạnh tranh thấp trong khu vực…
- Cảm giác của ông khi được bổ nhiệm?
- Tôi cũng lo nghĩ nhiều vì chức vụ cao và không biết có đảm nhiệm được trọng trách không. Nhưng sau cùng, tôi nghĩ đây cũng là công việc và nhiệm vụ. Nếu làm không tốt, tôi sẽ bị khiển trách, cũng như ở những công việc khác thôi.
- Ông có chú ruột là đại tá công an, làm vụ phó Vụ An ninh - Quốc phòng Tây Nam Bộ. Mối quan hệ này ảnh hưởng như thế nào đến vị trí hiện tại của ông?
- Theo các quy định hiện hành của Việt Nam thì bằng cấp của tôi đạt, đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng không qua thi tuyển và có quyết định, đồng ý từ Trung ương chứ không phải Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tự quyết toàn bộ mà có ảnh hưởng được.
- Trong một tháng giữ chức vụ phó, ông đã làm được những gì?
- Việc bổ nhiệm vụ phó là để giúp tôi có một vị trí, chức danh hợp lý khi quảng bá, kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản. Do việc học rất bận và khắt khe nên tôi được cơ quan cho công tác, học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Lần đầu tiên về nước hồi tháng 3/2015, tôi đã dẫn giáo sư cùng đại diện của hai tập đoàn tài chính lớn tại Nhật đến làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư ở Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Quá trình quảng bá và xúc tiến đầu tư được tốt hơn khi tôi được bổ nhiệm về Trung tâm Xúc tiến - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ. Trung tâm cũng rất nhiệt tình giúp đỡ tôi trong việc thu thập số liệu và thông tin trong công tác xúc tiến.
Tôi dự kiến giúp đoàn đại biểu Cần Thơ sang thăm và làm việc với một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính trong năm sau. Cần Thơ đã có văn bản ủy quyền cho Đại sứ quán Việt Nam và giáo sư của tôi hết sức giúp đỡ về học tập và công việc xúc tiến. Gần đây, giáo sư đã viết thư nhận xét về trình độ học tập làm việc của tôi gửi đến UBND Cần Thơ.
- Chỉ sau 32 ngày ông giữ chức vụ phó, UBND TP Cần Thơ đã có đề nghị rút ông từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về công tác. Ông cân nhắc và suy nghĩ thế nào?
- Tôi đã tháp tùng nhiều đoàn đại biểu Tây Nam Bộ và các tỉnh thành, trong đó có Cần Thơ. Việc tôi được xin về Cần Thơ hoàn toàn là có thể. Đây là quyết định của ban ngành.
Tôi không có suy nghĩ gì nhiều về việc này vì mục đích công việc vẫn là quảng bá và xúc tiến đầu tư. Dưới danh nghĩa Cần Thơ có lợi hơn vì đa số các công ty, tổ chức nước ngoài không biết đến Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
- Ông nói gì trước những thông tin hoài nghi về chức vụ phó của mình?
- Vụ phó là một chức vụ cao nên tôi từng nghĩ đến khả năng scandal trên báo. Do vậy, khi tin được đăng, tôi cũng không quá ngạc nhiên. Tôi hiện tại rất tập trung vào việc học nên cũng không muốn suy nghĩ nhiều. Mong muốn lớn của tôi là bảo vệ thành công được luận án và tốt nghiệp và có thể trở lại Việt Nam công tác năm sau.
- Ông đánh giá thế nào về công việc của mình trong 9 tháng giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ?
- Nhiệm vụ chính của tôi chủ yếu vẫn là học tập nghiên cứu, nên vấn đề công tác hiện tại là thiết lập mối quan hệ và gặp gỡ các đối tác trong thời gian phù hợp với công việc của tôi tại trường.
Công tác xúc tiến đầu tư cần một thời gian dài chứ không phải ngay lập tức. Mối quan hệ với doanh nghiệp và các tổ chức đương nhiên được tốt và mở rộng hơn sau khi được bổ nhiệm. Tôi cũng thu thập được nhiều số liệu thực tế hơn về Cần Thơ và có thể quảng bá Cần Thơ qua các tài liệu, số liệu cung cấp từ cơ quan.
Một số công ty Nhật Bản rất quan tâm đến công việc của tôi vì số liệu chung về Việt Nam thì có thể dễ nắm bắt được; nhưng về đến cơ sở, địa phương thì đối với họ là rất khó và tốn kém thời gian, chi phí. Do vậy, tôi tận dụng khía cạnh này để mở rộng quan hệ…
- Hiện việc học và công việc của ông bên Nhật ra sao?
- Việc học tập bên này rất căng thẳng vì là môi trường Nhật, rất khác với môi trường học tập trước kia của tôi tại châu Âu. Nhưng đây là cơ hội tốt để tôi quen với phong cách làm việc châu Á. Ngoài nghiên cứu, tôi cũng tham gia trợ giảng tại trường. Quyết tâm lớn nhất hiện nay của tôi là tốt nghiệp tiến sĩ trong năm 2017. Đây là một thách thức lớn vì 3 năm thật sự là ngắn khi học tiến sĩ. Đang ở giai đoạn cuối nên tôi cần tập trung cao.
Về công việc, tôi vẫn giữ mối quan hệ xã giao thường xuyên với các tổ chức, và giới doanh nghiệp. Ai cũng biết việc xúc tiến đầu tư đối với Nhật là không dễ dàng vì công ty Nhật rất kỹ tính. Tôi chỉ có thể quảng bá Cần Thơ và giữ quan hệ. Quyết định vẫn sẽ do họ.
- Ngày 20/5/2014, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ gửi văn bản cho Ban Tổ chức Trung ương về việc đề nghị thống nhất xét tuyển không qua thi tuyển đối với du học sinh Vũ Minh Hoàng (sinh năm 1990 tại tỉnh Bắc Ninh) và được đồng ý. - Ngày 4/6/2014, ông Hoàng được tuyển dụng vào làm việc tập sự 12 tháng tại Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. - Một tháng sau, ông được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản đến tháng 9/2017. - Tháng 1/2016, ông Hoàng được bổ nhiệm làm Vụ phó Kinh tế, sau 17 tháng vào cơ quan này. - 32 ngày sau, ông Hoàng được chuyển về giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ theo theo công văn "xin người" của chính quyền thành phố này. |
Huy Phong