Theo đại diện Vietnam Airlines, sáng 1/8, hệ thống công nghệ thông tin chính của Vietnam Airlines đã hoàn tất quá trình kiểm tra và trở lại hoạt động. Hãng đã phối hợp với các chuyên gia của Cục An ninh mạng (Bộ Công an), Cục an toàn thông tin, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, Viettel, FPT và các đối tác khác để giành quyền kiểm soát, khôi phục và khởi động lại các chương trình bị tấn công cũng như rà soát chương trình khác để đảm bảo an toàn. Hãng bay đã phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khôi phục các máy tính tại quầy làm thủ tục ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Đến nay, sự cố trên không làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay, công tác phục vụ hành khách trong thời gian sự cố không bị ảnh hưởng lớn nhờ nỗ lực triển khai kịch bản dự phòng và sẵn sàng đầy đủ phương tiện, nhân lực. Hãng tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công An cùng các đối tác để củng cố an ninh mạng.
Đối với khách hàng chương trình Bông Sen Vàng, Vietnam Airlines thông báo sẽ tạm ngừng các chức năng trực tuyến, tuy nhiên vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi của hội viên. Hãng này cũng gửi lời xin lỗi khách hàng vì sự việc không mong muốn sau sự cố tin tặc và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác để giải quyết.
"Hệ thống đã hoạt động trở lại nhưng vấn đề là Vietnam Airlines đã phát hiện và vá tất cả các lỗ hổng chưa. Vì sau khi tấn công vào, hacker có thể đặt cổng hậu, cài cắm các lỗ hổng cho những đợt tấn công sau này", một chuyên gia bảo mật lưu ý.
Chiều 29/7, tin tặc tấn công trang web của Vietnam Airlines, làm rò rỉ dữ liệu của 400.000 tài khoản khách hàng Bông Sen Vàng, bao gồm họ tên, ngày sinh, địa chỉ. Một số thành viên còn bị lộ chức vụ, cơ quan công tác, số điện thoại... Cùng thời điểm, hệ thống thông tin, quầy thủ tục tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cũng bị tấn công làm hơn 100 chuyến bay bị chậm.
Ông Nguyễn Hải Tùng, Trưởng ban Công nghệ thông tin của Vietnam Airlines cho hay, nhóm tin tặc tấn công ban đầu tương tự các đợt tấn công bởi virus trước đó, nhưng lần này là có chủ đích. Các đối tác công nghệ thông tin của hãng đã phát hiện dấu hiệu nghi ngờ tin tặc xâm nhập từ tối 28/7 và đưa ra cảnh báo đợt virus này có khả năng bùng nổ trên diện rộng. Vietnam Airlines ngay sau đó có một số biện pháp ứng phó, ngăn chặn virus phát tán.
Ông Nguyễn Trung Chính (Chủ tịch HĐQT tập đoàn công nghệ CMC) nhận định: “Vụ tấn công này là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ chiến tranh mạng, tuy chưa có vấn đề về an ninh, an toàn hàng không, nhưng nếu chúng ta không ý thức đầy đủ thì có thể phải đối mặt với những vụ việc nghiêm trọng hơn”.
Chuyên gia khuyến cáo các cơ quan, tổng công ty nhà nước, nhất là những nơi liên quan đến hạ tầng dân sinh như giao thông đô thị, hàng không, điện lực... cần rà soát toàn bộ quy trình bảo mật, thậm chí cảnh giác cả xuất xứ thiết bị công nghệ lõi.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định, sau sự cố, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các hãng hàng không nâng cấp hệ thống tin nội bộ, đặc biệt là hệ thống bảo mật, đề nghị các nhà mạng cung cấp dịch vụ hiện đại, tối tân nhất để ngăn chặn xâm nhập của tin tặc.
Đoàn Loan - Võ Thành