Sáng 31/7, Vietnam Airlines cho hay mọi hoạt động tại sân bay đã trở lại bình thường. Mọi thông tin giao dịch và thanh toán khách hàng trong quá trình đặt chỗ, mua vé trên website của hãng được đảm bảo an toàn.
Với các dữ liệu của khách hàng Bông sen vàng bị tin tặc đánh cắp, Vietnam Airlines đã cô lập và phong tỏa tận nguồn, phối hợp với các đơn vị an ninh công nghệ bảo đảm an toàn dữ liệu.
Đánh giá về đợt tấn công của tin tặc này 29/7, ông Nguyễn Hải Tùng, Trưởng ban Công nghệ thông tin của hãng cho hay, nhóm tin tặc tấn công ban đầu tương tự các đợt tấn công bởi virus trước đó, nhưng lần này là tấn công có chủ đích.
Các đối tác công nghệ thông tin của hãng đã phát hiện dấu hiệu nghi ngờ tin tặc xâm nhập từ tối 28/7 và đưa ra cảnh báo đợt virus này có khả năng bùng nổ trên diện rộng. Vietnam Airlines ngay sau đó có một số biện pháp ứng phó, ngăn chặn virus phát tán.
Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia hàng không cho biết, tin tặc tấn công thành công website của Vietnam Airlines cho thấy hệ thống mạng, bảo mật của hãng này chưa tốt. Đây là một bài học để các doanh nghiệp hàng không chú trọng đầu tư công nghệ thông tin.
Chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức cho rằng, phía Vietnam Airlines thiếu sự bài bản trong công tác bảo vệ. Không thể chỉ là phụ thuộc vào thiết bị máy móc bảo mật chạy đèn sáng trưng mà phải cần một đội ngũ cùng hệ thống giám sát phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
Đồng quan điểm, chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc cho biết để thâm nhập đến mức độ này, hacker phải có trình độ rất cao. "Cuộc tấn công trên không phải ngày một ngày hai mà có thể đã xảy ra một thời gian âm thầm, đúng chất của một cuộc tấn công chuyên nghiệp".
Ngày 29/7, hàng loạt màn hình hiển thị thông tin chuyến bay tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cùng hệ thống phát thanh của sân bay bất ngờ bị chèn nội dung kích động, xuyên tạc về biển Đông. Tại website của Hãng hàng không Việt Nam, người dùng khi truy cập vào nhận được thông báo website đã bị hack, nội dung trang chủ được thay đổi hoàn toàn. |
Đoàn Loan