Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Dù phải ngồi xe lăn, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn nhờ người nhà đưa đến dự. Ông cho biết, cùng sinh ra và tham gia cách mạng ở Thừa Thiên Huế từ nửa cuối những năm 30 của thế kỷ XX, được nghe nhiều về con người này nhưng mãi đến năm 1953, khi từ miền Đông Nam Bộ ra Việt Bắc dự lớp bồi dưỡng và chỉnh huấn chính trị, ông mới được gặp Nguyễn Chí Thanh.
Những năm tháng được sống và làm việc cùng người anh đồng hương và suốt những năm về sau, Tướng Lê Đức Anh cảm nhận rõ về anh Sáu Di (bí danh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Trung ương Cục miền Nam) - một con người "sáng trong như ngọc", một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tóm lược cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định, đây là một vị tướng thao lược, tài ba, đức độ, hội tụ đủ phẩm chất "nhân, trí, tín, dũng, liêm, trung".
Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4 Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng đội lãnh đạo quân và dân vượt qua mọi khó khăn với tinh thần "mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân, có lòng tin của dân là có tất cả".
Giữa năm 1950, trước yêu cầu phát triển quân đội, đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó bí thư Tổng Quân ủy. Tổng Quân ủy lúc này gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bí thư, hai phó bí thư là Trần Đăng Ninh và Nguyễn Chí Thanh.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: "Tổng Quân ủy lúc bấy giờ là một mẫu mực về tổ chức cơ quan lãnh đạo vừa gọn nhẹ, vừa có sức mạnh, đoàn kết nhất trí cao, tôn trọng yêu thương nhau và theo sát tình hình thực tế... Các cuộc họp ít kéo dài, có khi chỉ nói nửa câu là đã hiểu nhau và đi ngay đến quyết định".
Tổng Quân ủy đã mở hàng loạt chiến dịch lớn, mở đầu là chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Đông Xuân và đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đánh bại tham vọng tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Sau giải phóng, Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục xây dựng quân đội lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ.
Nhờ những đóng góp đó, năm 1959 Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng. Lúc này, Quân đội Nhân dân Việt Nam có hai Đại tướng đều được phong vượt cấp là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh. Một năm sau, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, để tăng cường công tác lãnh đạo cách mạng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng ở đây.
Những trận thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi)... giữa năm 1965 đã chứng minh cho nhận định sắc sảo của Đại tướng rằng: "Quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ về quân sự trong chiến lược 'Chiến tranh cục bộ'".
Tướng Lê Đức Anh cho hay, khi Mỹ chuyển từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" sang "Chiến tranh cục bộ", Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất phải xây dựng các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ, có khả năng và luôn cơ động, phải thực hiện đánh tiêu diệt lớn với quân chiến đấu Mỹ ở những trận then chốt thì mới có thể giành thắng lợi.
Được sự đồng ý của Quân ủy Trung ương và Trung ương Đảng, các đơn vị chủ lực Miền đã phát triển nhanh chóng. Năm 1964, toàn Miền mới có 11 trung đoàn và 15 tiểu đoàn, thì đến cuối năm 1965 đã phát triển thành 5 sư đoàn và 11 trung đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật; từ các tổ, đội đặc công, biệt động phát triển thành các trung đoàn, tiểu đoàn đặc công, biệt động.
Trước nhiều câu hỏi như "Làm thế nào để đánh được Mỹ và thắng Mỹ?"; "Làm thế nào đánh thắng đế quốc Mỹ mà không để cuộc chiến lan rộng thành cuộc chiến giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa?"... Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu quyết tâm: "Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ".
Và rồi ông tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến: "Nắm thắt lưng địch mà đánh"; đánh gần, đánh nhanh, di chuyển nhanh; đánh liên tục để hạn chế tối đa thương vong của bộ đội trước ưu thế hơn hẳn về hỏa lực của địch...
"Thực tiễn đã chứng minh, đó là những tổng kết vừa mang tầm chiến lược, vừa có giá trị chiến thuật góp phần đẩy lùi tâm lý thiếu tự tin trước ưu thế vượt trội về số lượng, trình độ và uy lực của vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh của quân đội Mỹ", Đại tướng Lê Đức Anh đúc kết.
Trong bài viết về người đồng đội gắn bó mật thiết, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, ngày chuẩn bị vào miền Nam đầu tháng 7/1967, Nguyễn Chí Thanh đã nêu ý kiến để hai gia đình đi dạo Hồ Tây và chụp ảnh kỷ niệm. "Buổi gặp nhau trước ngày lên đường, anh cùng tôi trải cả bản đồ lên sàn nhà, cùng nhau bàn bạc về tình hình, dự kiến những chuyển biến và cách đánh sắp tới. Nhớ đến bữa cơm tiễn biệt tại nhà 28 Cửa Đông, không ngờ hôm ấy lại là buổi gặp nhau cuối cùng".
Đúng vào ngày lên đường từ thủ đô quay trở lại chiến trường, lúc cách mạng miền Nam đang ở thời điểm rất cần người lãnh đạo thì ngày 6/7/1967 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời ở tuổi 53, sau một cơn đau tim.
"Anh là lãnh đạo xuất sắc của Đảng, hết lòng thương yêu nhân dân, đồng chí, đồng đội, có công lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng, tổ chức... Anh là chiến sĩ cộng sản kiên cường, vị tướng tài ba của quân đội, có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam", cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mất bố từ năm 14 tuổi, ông phải đi làm thuê kiếm sống. 20 tuổi ông tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Từ năm 1938 - 1943, ông 3 lần bị địch bắt giam ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo và nhà đày Buôn Ma Thuột. Năm 1947, ông khôi phục Mặt trận Huế, mở ra một cục diện mới, phát triển chiến tranh nhân dân trong vùng địch tạm chiếm. Một năm sau, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình - Trị - Thiên để thống nhất lãnh đạo, Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư, rồi đảm nhiệm Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Đầu năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử là Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1961, khi miền Bắc phát triển hợp tác xã, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng phân công phụ trách nông nghiệp. Ông nổi tiếng với danh hiệu "Đại tướng làm nông nghiệp", gắn liền với những phong trào, những mẫu hình sản xuất như "gió Đại Phong", "Thi đua Ba Nhất", "Phá xiềng ba sào"... đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền Bắc tiến một bước vững chắc. Nguyễn Chí Thanh làm rể trong gia đình ông ấm Hoàn - một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng. Bà Nguyễn Thị Cúc (vợ ông) là thiếu tá Quân đội, làm việc ở bệnh viện 108. Đại tướng có 5 người con: Trường Sơn (mất năm 1947 ở chiến khu Trị Thiên), Nguyễn Thị Thanh Hà và Nguyễn Thị Thành (công tác tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam), Nguyễn Thị Kim Sơn (công tác tại Hải quan TP HCM), con út Nguyễn Chí Vịnh hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng. |
Hoàng Thùy