Vào tháng 2/1973, Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập văn phòng liên lạc. Khi tình hình biển Đông căng thẳng vào tháng 12/1973, Đại sứ quán Mỹ tại Singapore đã gửi điện tín cho Bộ Ngoại giao Mỹ hỏi về lập trường của Chính phủ trong các tranh chấp tại khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ gửi điện tín cho các đại sứ quán và văn phòng liên lạc ở Việt Nam Cộng hòa, Singapore, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc nói rằng, lập trường của Washington là không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền tại đây.
Quan điểm này được tái xác nhận trong các cuộc họp ngày 25/1/1974 và 31/1/1974 của nhóm hành động đặc biệt do Kissinger đứng đầu. Theo đó, phía Mỹ sẽ tránh xa những tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau hải chiến Hoàng Sa 1974, Đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, từng báo cáo với Ngoại trưởng Kissinger rằng: "Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác có cùng vấn đề - đó là vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó".
Ngày 23/1/1974 Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tuyên bố trong cuộc gặp với ông Hàn Tự, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của Trung Quốc tại Washington: “Mỹ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này".