Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, bà rất băn khoăn trước việc Phó tổng Thanh tra có nhiều tài sản, cổ phiếu trong doanh nghiệp mà cơ quan này từng thanh tra, “điều đó có đúng, nếu có thì xử lý thế nào?”.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh khẳng định, với trách nhiệm của mình, Thanh tra Chính phủ khi nhận thông tin từ báo chí đã chủ động yêu cầu Phó tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh báo cáo nguồn gốc và kê khai tài sản từ năm 2007 đến nay. “Việc kê khai đều đúng qua các năm”, ông Tranh cho biết.
Cùng với đó, cơ quan này yêu cầu ông Khánh làm báo cáo việc kê khai tài sản, trình trước Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ và gửi tới các cơ quan chức năng. “Anh Ngô Văn Khánh là cán bộ thuộc Trung ương quản lý nên Ủy ban Kiểm tra đang vào cuộc nắm tình hình, từ đó xem độ chính xác đến đâu và sẽ kết luận sau”, ông Tranh nói thêm.
Tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền tiếp tục được ba đại biểu dồn dập chất vấn vào chiều 12/6. “Một số cán bộ về hưu có tài sản lớn, cán bộ đó có kê khai khi công tác. Biện pháp gì khắc phục tình trạng cán bộ về hưu thì lộ ra tài sản lớn”, đại biểu Lê Đắc Lâm hỏi.
Ông Tranh khẳng định, đối tượng phải kê khai, theo pháp luật, không có người về hưu. “Chúng tôi theo dõi cán bộ đương chức không thấy dấu hiệu thiếu trung thực. Về hưu mà phát hiện tài sản lớn, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất biện pháp để quản lý đồng bộ”, ông Tranh cho hay.
Thẳng thắn hơn, đại biểu Võ Thị Dung chỉ đích danh quan chức về hưu là nguyên Tổng thanh tra Trần Văn Truyền. “Dư luận rất bức xúc về tài sản của cựu Tổng Thanh tra. Ông nhìn nhận gì và liệu truyền thông đưa tin có đúng không”, Phó đoàn đại biểu TP HCM chất vấn.
Theo ông Tranh, người tiền nhiệm của ông kết thúc nhiệm kỳ công tác vào năm 2011 và chuyển sinh hoạt về Bến Tre. “Dẫu vậy, anh Truyền vẫn thuộc diện Ban Bí thư quản lý nên Ban Bí thư đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra nắm tình hình. Chúng tôi đã trao đổi với Tỉnh ủy Bến Tre để phối hợp theo dõi. Xử lý thế nào thì Ban Bí thư quyết định”, ông Huỳnh Phong Tranh nói.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) truy vấn việc ông Truyền bổ nhiệm 60 cán bộ trước khi về hưu, đồng thời nhấn mạnh: "Thanh tra là tai mắt của Chính phủ và nhân dân nên tai phải thính và mắt phải tinh".
Tổng Thanh tra thừa nhận, thông tin bổ nhiệm 60 cán bộ trong 8 tháng đầu năm 2011 của người tiền nhiệm là có cơ sở.
Tuy vậy, ông Tranh cho rằng phải nhìn vấn đề từ thực tế yêu cầu thực thi công vụ. “Thời điểm đó, Thủ tướng cho Thanh tra thành lập ba đơn vị mới nên việc bổ nhiệm là có cơ sở. Sơ suất là số được bổ nhiệm nhiều hơn quy định, người được bổ nhiệm chưa đáp ứng năng lực cán bộ cũng như điều kiện về tiêu chuẩn”, người đứng đầu ngành Thanh tra nhận định.
Liên quan việc kê khai tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Rinh phân vân về hiệu quả thiết thực của biện pháp này. Ông Tranh cho biết, kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện đã sáu năm, đến nay hàng năm đều có bổ sung các biến động về tài sản.
Trong hơn 200.000 bản kê khai năm 2013 thì 97% đã được công khai, tăng 38% so với năm trước đó. Thanh tra đã phát hiện 3.000 trường hợp kê khai không rõ, cần phải xác minh, 88 người kê khai không trung thực, chậm hoặc vi phạm quy định đều bị xử lý.
Đại biểu Lê Thị Yến yêu cầu làm rõ việc Thanh tra đã công bố nhiều kết luận, trong đó giá trị tài sản thu hồi lớn, nhưng thực tế kết quả xử lý sau thanh tra ra sao.
Tổng Thanh tra thừa nhận, giai đoạn 2008-2011, việc thu hồi tài sản sau thanh tra đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó thu hồi tiền chỉ 30% và 20% với đất đai. Một trong những nguyên nhân là kết luận Thanh tra chưa khả thi. Phần khác là do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tổ chức hoàn chỉnh để thực thi kết luận.
“Với tư cách người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về khuyết điểm này”, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn.
Để việc thu hồi đạt hiệu quả cao, ông Tranh cho biết cơ quan này đã thành lập Vụ Giám sát xử lý sau thanh tra và đang đề nghị ban hành nghị định xử lý sau thanh tra. Ông dẫn chứng tỷ lệ tiền thu hồi năm 2012 đã tăng lên 51% và 53% trong năm 2013. Tiền thu được sau kiến nghị năm 2012 lên đến 83%.
Cơ quan này cũng đề xuất ban hành nghị định phong tỏa tài sản với đơn vị không thực hiện kết luận. “Thanh tra chỉ có quyền phát hiện, kiến nghị chứ không có quyền xử lý, cưỡng chế nên việc thực hiện kết luận còn hạn chế”, ông Tranh nói.
Nhiều thanh tra có tâm tư vì không được hưởng phụ cấp Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh, một số địa phương, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không có tổ chức thanh tra độc lập, đồng nghĩa với việc không có thanh tra viên. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn bổ nhiệm thanh tra viên với mục đích trục lợi chế độ chính sách dành cho chức danh này. Ông Tranh cho biết, thực tế trên là kết quả việc chuyển đổi mô hình tổ chức thanh tra chuyên ngành theo Luật Thanh tra 2010. Một lượng khá lớn cán bộ tại các cục, tổng cục trước đây là thanh tra viên, nay vẫn thực hiện chức năng thanh tra nhưng không được hưởng chế độ, như phụ cấp thâm niên nghề, trang phục, thẻ… nên đã có tình trạng thanh tra "nảy sinh tâm tư". Cơ quan này đã cùng Bộ Tài chính tham mưu Thủ tướng ban hành Quyết định số 12 ngày 27/1/2014 quy định chế độ bồi dưỡng với công chức thanh tra chuyên ngành. |
Chí Hiếu