Trên chuyến xe về thăm lại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), các cựu chiến binh Sư đoàn 356 sôi nổi ôn lại kỷ niệm nhiều năm trước. Người ngó ra ngoài cửa sổ, chỉ đây là cánh đồng ba Phương (Phương Thiện, Phương Độ, Phương Tiến thuộc huyện Vị Xuyên) rực nắng, người trầm ngâm mường tượng ra ngày này 31 năm trước đang cùng đơn vị chuẩn bị cho trận mở màn chiến dịch MB84 lấy lại các cao điểm mà quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó.
Nơi chân đài hương ở cao điểm 468 thuộc xã Thanh Thủy, các cựu chiến binh các Sư đoàn 356, 313, 316 đã tập trung từ sáng sớm. Nhiều người rủ nhau "hành quân bộ", vượt con dốc dài cả cây số. Họ đến từ Sài Gòn, Yên Bái, Hà Nội... ngoài những người mặc áo lính còn có cả vợ, con, người thân cùng đi.
Dù bận rộn làm ăn và cuộc sống còn nhiều khó khăn, cựu chiến binh Vũ Xuân Đức vẫn lo gom góp chút tiền đưa vợ và cô con gái út về Vị Xuyên hội quân với đồng đôi. Nhiều năm nay, ước nguyện của ông là gặp lại chiến sĩ Nguyễn Văn Thành, bạn chiến đấu cùng đơn vị mà ông cứu được trong trận đánh ngày 12/7.
Năm 1984, ông Đức là chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 876, Sư 356 tham gia đánh cửa mở trên cao điểm 772. Giữa lúc chiến sự diễn ra ác liệt, ông tiếp tế xong đạn pháo cho đơn vị thì gặp chiến sĩ Thành bị thương, thủng mu bàn tay, bàn chân không di chuyển được. Ông Đức cõng Thành vượt làn đạn pháo về hang cứu thương, vừa đi vừa động viên đồng đội cố chịu đau và gắng đừng khóc. Anh lính trẻ khi ấy gầy gò, đen nhẻm, ngang hông còn buộc một tượng gạo nặng trĩu vẫn đưa được đồng đội về nơi cấp cứu an toàn rồi tiếp tục quay lại chiến đấu.
Chiến sĩ Thành sống chết ra sao, sau này thế nào ông Đức không biết. Nhiều năm sau khi sư đoàn giải thể, ông phục viên rồi đi xây dựng kinh tế mới ở Móng Cái (Quảng Ninh). Mưu sinh vất vả cũng không làm ông nguôi ngoai đi nỗi nhớ đồng đội. Ông dò hỏi những người cùng chiến đấu, rồi về Văn Chấn (Yên Bái) hỏi thông tin về ông Thành nhưng không có kết quả. Hỏi vì sao ông phải mất công đi tìm như thế, ông chỉ nói "Tình cảm người lính gắn bó không thể nói rõ được. 31 năm rồi nhưng nhiều đêm nằm nghĩ lại tôi không ngủ được. Mình may mắn thoát chết, trở về lành lặn, chỉ thương Thành không biết ra sao".
15 năm nay, chưa năm nào bà Trần Thị Mai Hiền ở Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) bỏ lỡ một lần về với Vị Xuyên. Chồng bà, cựu chiến binh Vũ Minh Tiến là thương binh hạng 3/4, lính Trung đoàn 876, Sư đoàn 356. Bà kể, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ trận là hai vợ chồng lại lo chuẩn bị đồ lễ để thắp hương cho các liệt sĩ. Đêm trước khi về chiến trường cũ, hai người trằn trọc không ngủ được, vui khi được gặp những người còn sống bao nhiêu thì lại buồn đau bấy nhiêu khi nghĩ về người đã khuất.
Bà Hiền kể, khi còn là cô bé con mới 3 ngày tuổi, cha bà đi chiến trường rồi hy sinh ở mặt trận nào không rõ. Hơn 30 năm qua, bà Hiền đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ nhưng không tìm thấy mộ phần ông. Chiến tranh cướp mất của bà một người cha nhưng chồng bà thì vẫn may mắn trở về. Bà biết ơn những người đồng đội chở che để chồng bà có thể an toàn bước ra khỏi cuộc chiến.
Năm 2013, bà Hiền cùng các cựu chiến binh Sư đoàn 356 vận động, quyên góp chi phí xây dựng nên đài hương 468 để tưởng niệm những người lính Vị Xuyên nằm lại nơi chiến trường. Gọi là đài hương, nhưng thực chất đây chỉ là một nơi đặt bát hương, xây trên vạt đồi được san phẳng một góc. Từ đài hương có thể nhìn bao quát gần hết các cao điểm - nơi từng là chiến trường khốc liệt nhiều năm trước.
"Tôi không còn cha nên không muốn nhìn những đứa con đồng đội của chồng giống như tôi, không biết cha mình ngã xuống như thế nào, về chiến trường cũng không có được một nơi thắp hương an ủi vong linh liệt sĩ. Tôi cũng làm mẹ, tôi hiểu được rằng khó khăn lắm mới nuôi được một đứa con. Tuổi 18, đôi mươi là tuổi đẹp nhất mà thân thể tan nát dưới đạn pháo chiến tranh, đau đớn lắm", bà Hiền bật khóc, nói.
Trong đoàn quân trở lại Vị Xuyên, người ít người nhiều đều có mất mát, người mất một phần thân thể, người mất đi người thân, có người muốn đi tìm thông tin của anh trai, em trai hy sinh nơi mặt trận phía Bắc rồi trở thành một mảnh ghép của sư đoàn mỗi lần hội ngộ.
Gặp nhau trên cao điểm, cánh lính chiến đầu muối tiêu vẫn lễ phép gọi ông già tóc bạc, da mồi là thủ trưởng. Cười xuề xòa, đại tá Nguyễn Đức Cam (nguyên Sư đoàn phó, Sư đoàn 356) bảo: "Tao già rồi, còn thủ trưởng gì nữa. Chúng mày cứ xưng anh em là được". Giữa những làn khói vấn vít khắp đài hương, ông không khóc òa như như nhiều người lính khác mà chỉ lặng người, cố ngoảnh mặt để ngăn nước mắt chảy.
Ông bảo khi còn hơi thở thì còn về thăm anh em, đồng đội. Mỗi lần quay lại mảnh đất Hà Giang đều là một lần mất mát và day dứt từ trong tâm thức của người chỉ huy khi nhiều năm, đoàn quân của ông mang cái tên "sư đoàn hóa đá".
"Đau đớn nhất là những người còn nằm trên sườn giông, vách đá, qua bao nhiêu sương gió và cả sự lãng quên của người đời, chỉ còn là những linh hồn phiêu bạt. Nguyện ước của chúng tôi là quy tập được hài cốt anh em về dù biết việc đó rất khó. Mong muốn xây dược một đài tưởng niệm, giải quyết được chế độ cho những người trở về. Thực hiện được đúng ý kiến mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói khi gặp chiến sĩ sư đoàn sau ngày giỗ trận vào tháng 7/2014", ông nói.
Giữa nghĩa trang bạt ngàn những ngôi mộ của người lính chiến hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, người chỉ huy của Sư đoàn 356 bất ngờ gặp trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3. Vị tướng già đầu bạc, hơn 84 tuổi rồi vẫn lặn lội đi khắp nghĩa trang để thắp hương cho từng phần mộ liệt sĩ. Sư đoàn 31 (thuộc Quân đoàn 3) từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên. Trong câu chuyện của hai người lính già đầu bạc, ngoài một vài kỷ niệm chiến trường, còn là nỗi day dứt khôn nguôi. Ông nói với đại tá Cam: "Chúng mình còn có lỗi khi chưa đưa được hết hài cốt của anh em về nghĩa trang, về với gia đình, quê hương".
Ngày 12/7/1984, bộ đội Việt Nam mở màn chiến dịch MB 84 giành lại các điểm cao quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó. Sư đoàn 356 làm nhiệm vụ chủ công, phối hợp với các cánh quân của các Sư đoàn 313, 316 và nhiều đơn vị khác. Do tương quan lực lượng và địa hình phức tạp, hàng trăm chiến sĩ hy sinh trong trận chiến giành cao điểm. Bộ đội ta chưa lấy lại ngay được các điểm cao như kế hoạch đặt ra nên được lệnh lui về phòng ngự và củng cố lực lượng, chờ thời cơ phản công. |
Hoàng Phương