Các poster này cung cấp cho hành khác những thông tin cần thiết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt về biểu hiện của bệnh, cách phòng tránh... Chẳng hạn, người dân cần thực hành rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp tính...
Động thái trên được ngành y tế đưa ra khi bệnh mới “giống SARS” do virus MERS-CoV diễn biến phức tạp, gia tăng số ca mắc và tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay trên toàn cầu đã ghi nhận gần 700 ca bệnh, 210 người tử vong. 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ghi nhận có người nhiễm MERS-CoV như: Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Hà Lan, Anh, Mỹ, Malaysia, Philippines, Tây Ban Nha... Tất cả trường hợp mắc đều có liên quan và xuất phát từ 6 nước tại bán đảo Ảrập.
WHO nhận định trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm mới MERS-CoV tại các quốc gia khác do có giao lưu về đi lại, du lịch và làm việc tại các quốc gia đang có dịch bệnh. Tuy nhiên, tới nay WHO chưa có khuyến cáo áp dụng các biện pháp sàng lọc đặc biệt nào tại cửa khẩu và không hạn chế đi lại tới các quốc gia có dịch bệnh.
Bộ Y tế Việt Nam cho rằng nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào nước ta cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động phòng chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV). Kế hoạch gồm 3 tình huống: khi chưa có ca bệnh; có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam và khi dịch lan rộng trong cộng đồng.
Bệnh do virus MERS-CoV có khả năng lây truyền từ người sang người chủ yếu trong nhóm người có tiếp xúc gần. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, viêm phổi nặng và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp cấp. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao.
Phương Trang