Trong tháng 10, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động tuyển hơn 200 ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Đây là khóa tiếp nhận thứ tư nằm trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA).
Chương trình tuyển chọn ứng viên hộ lý là người tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa (4 năm), không quá 35 tuổi, có sức khỏe, không có tiền án, tiền sự. Ứng viên điều dưỡng có thêm các điều kiện như phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm. Người đủ tiêu chuẩn được đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng, miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn, được hỗ trợ sinh hoạt phí và sang làm việc tại Nhật Bản trong 3 năm với điều dưỡng và 4 năm đối với hộ lý.
Mức lương ứng viên điều dưỡng nhận được là 130.000-140.000 yên/ tháng, tương đương 28-30 triệu đồng; hộ lý là 140.000-150.000 yên/tháng, tương đương 30-33 triệu. Ngoài ra, ứng viên còn được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc. Nếu thi đỗ chứng chỉ nghề và ở lại Nhật làm việc như nhân viên chính thức thì mức lương có thể lên đến 270.000-300.000 yên/tháng, tương đương 55-60 triệu đồng.
Từ năm 2012 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 3 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 510 người. Hiện có 290 người đang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản. Ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế JICWELS, đơn vị đầu mối thuộc Bộ Y tế phúc lợi xã hội Nhật Bản, tiếp nhận, đánh giá cao về mức độ hòa nhập với môi trường làm việc. Việc triển khai hiệu quả chương trình sẽ mở ra cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng có cơ hội học tập và làm việc lâu dài tại Nhật.
Hiện nay, nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng không có tên trong hệ thống 71 ngành nghề và 130 loại hình công việc được Nhật Bản cho phép tiếp nhận dưới hình thức thực tập sinh kỹ năng thời gian 3-5 năm. Vì vậy, chưa có thực tập sinh nước ngoài nghề trợ lý, hộ lý điều dưỡng được tiếp nhận vào Nhật Bản dưới bất kỳ hình thức nào.
"Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất được giao triển khai chương trình này. Các ứng viên không mất chi phí tuyển chọn, đào tạo và các khoản phí khác khi tham gia chương trình", ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản - châu Âu và Đông Nam Á, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Phương Hòa