Góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) chiều 16/3, Thượng tướng Võ Trọng Việt (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh) thẳng thắn nêu thực trạng tình trạng chặt phá rừng ở Việt Nam đã khiến gỗ và lâm sản quý mất hết.
"Trước đây rừng che bội đội, rừng vây quân thù nhưng hiện rừng chỉ làm giàu cho lâm tặc. Nhiều người ví von bên ngoài rừng xanh tốt, còn bên trong bị viêm đại tràng bởi cây quý đã mất hết", ông Việt nói.
"Sửa Luật lần này phải tạo cơ chế, hành lang pháp lý để chặn được tình trạng lâm tặc đi qua các trạm kiểm lâm mà không bị ngăn chặn. Vụ chặt gỗ pơ mu ở Quảng Nam vừa qua, Thủ tướng phải lên tiếng vì đầu nậu bố trí kế hoạch qua mặt cơ quan chức năng", ông Việt nói.
Từ thực tế một số nơi diễn ra việc cá nhân, tổ chức lợi dụng chuyển rừng tự nhiên sang mục đích khác để chặt gỗ, ông Việt đề nghị tỉnh nào muốn chuyển đổi mục đích rừng hay giao khoán thì phải được Bộ Tài nguyên thẩm định, nghĩa là tổ chức giám sát chéo.
"Ở Lào có chủ trương rõ ràng chặt một cây thì trồng bù ngay, còn Việt Nam chặt 10 cây mới trồng một", ông Việt nêu băn khoăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng không chỉ ở Lào, mới đây trong chuyến công tác nước ngoài, bà chứng kiến một tập đoàn viễn thông của Việt Nam khi làm cột sóng phải cam kết với nhà chức trách sở tại trồng cây mới thay thế, "chặt 100 cây thì trồng 100 cây, nhà đầu tư không làm coi như vi phạm".
Bà Ngân nêu thực trạng đáng buồn khi trong lần trên máy bay chứng kiến những quả đồi ở Điện Biên đã trọc hết, rồi Tây Nguyên không còn màu xanh của rừng núi. Ở Lai Châu, nhiều người dân không sống được bằng rừng nên phải phá đi để trồng chuối. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật phải tập trung giải quyết được vấn đề bảo vệ và phát triển rừng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình phân tích, một trong những điểm mới của dự thảo Luật là chuyển từ giao rừng sang cho thuê, làm dịch vụ rừng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ quy trình cho thuê rừng sẽ như thế nào? Đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống với rừng, khi cho thuê sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ?
"Có hay không người dân đang sống ở đó nhưng đến một ngày nhận thông báo từ người khác là rừng không còn là của họ. Ở bờ biển cũng có tình trạng tượng tư, tỉnh cho thuê rồi thì người dân ở đó sống thế nào?", ông Bình nêu vấn đề.
Ông Bình cũng cho rằng, dự thảo Luật còn quy định khá chung chung về trách nhiệm của tỉnh, huyện. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, quy định theo hướng nếu để xảy ra mất rừng thì trách nhiệm là của lãnh đạo địa phương như thế nào.
Đánh giá dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định, lĩnh vực quản lý rừng lâu nay còn nhiều bất cập nên phải nghiên cứu kỹ hơn dự Luật này, nhất là nội dung về quy trình, thủ tục, thẩm định, phê duyệt các vấn đề liên quan đến rừng.