21 tảng đá san hô và 11 cây bàng quả vuông tượng trưng cho 21 đảo, 33 điểm đóng quân của lực lượng Hải quân trên quần đảo Trường Sa.
Tại lễ tiếp nhận sáng 28/4, thay mặt Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và quân dân huyện đảo Trường Sa, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân nhấn mạnh: “Những tảng đá san hô và cây bàng quả vuông Trường Sa thể hiện thế đứng và sức sống mãnh liệt nơi tiền tiêu của tổ quốc”.
Đá san hô Trường Sa đặt tại Bảo tàng Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Theo Phó Đô đốc Huyền, việc đặt đá chủ quyền và cây bàng quả vuông Trường Sa tại Quảng Ngãi càng ý nghĩa hơn bởi nơi đây là quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa. Từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, hàng trăm dân binh Lý Sơn - Quảng Ngãi đã tham gia các đội thủy binh do chúa Nguyễn thành lập để làm nhiệm vụ trấn giữ biển Đông, tuần tra, canh giữ và khai thác tài nguyên trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong quá trình hoạt động của mình, đội Hoàng Sa không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn hun đúc thêm nhiều thế hệ lính can trường, dũng cảm cùng nhiều cai đội tài năng như: Phạm Văn Ảnh, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật... Họ đã có công trong việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1815, lập bia chủ quyền đầu tiên của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1838.
Cây bàng vuông Trường Sa trồng ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Vùng duyên hải Quảng Ngãi, đặc biệt là đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử, những giá trị văn hóa liên quan đến Hải đội Hoàng Sa.
Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tặng UBND tỉnh Quảng Ngãi tranh, ảnh với nội dung tôn vinh chủ quyền biển đảo, và trao lá cờ tổ quốc của huyện đảo Trường Sa cho Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi.
Trí Tín