Ngày 22/3, bà Phạm Thu Hương, Phó trưởng ban Dân chủ và pháp luật, Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chia sẻ tại hội nghị triển khai nghiệp vụ bầu cử tại Hà Nội rằng có địa phương đã khóc trong điện thoại khi gọi về nhờ hướng dẫn công tác bầu cử do cách hiểu khác nhau.
"Chúng tôi cháy máy vì quá tải", bà Hương nói và cho hay một số địa phương lúng túng trong việc giới thiệu đại biểu. Có tỉnh giới thiệu 10 người, nếu một người bị khiếu nại phải rút lui, số dư sẽ không đảm bảo ít nhất là 2. Hay có địa phương không biết phải làm sao khi một đại biểu ứng cử ở hai nơi. Luật lại không cấm việc này nhưng cũng không quy định phải xử lý ra sao…
Xoay quanh vấn đề triển khai nghiệp vụ bầu cử toàn quốc, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó vụ trưởng vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội, nhắc nhở các địa phương rà soát cẩn thận danh sách cử tri, tránh tình trạng cử tri có tên cả ở nơi tạm trú và thường trú.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng các địa phương khi bầu cử chức vụ tránh để một cán bộ kiêm nhiệm tới ba vị trí, gây ảnh hưởng đến thời gian và chức năng điều hành. “Một cán bộ đã giữ chức vụ Bí thư Thành ủy rồi lại kiêm nhiệm cả chức Chủ tịch HĐND thì không nên giữ thêm một chức vụ thứ ba nữa”, ông Bình nêu ví dụ.
Bên cạnh câu chuyện chuẩn bị cho ngày bầu cử cả nước, hội nghị cũng triển khai Luật tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ đầu năm 2016). Nội dung chính của luật là tăng quyền dân chủ trực tiếp cho người dân lên tối đa. Cụ thể, khi có từ 10% cử tri cấp xã yêu cầu xem xét nguyện vọng thì xã phải tổ chức kỳ họp để xem xét. Ví dụ một xã có 10.000 dân mà 1.000 dân kiến nghị xã xem xét về một bãi rác hay một nhà máy trên địa bàn gây ô nhiễm thì thường trực HĐND xã phải tổ chức họp để lắng nghe ý kiến cử tri.
Bảo Hà