Thủ tướng vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ ngành Trung ương. Theo đó, đối tượng quy hoạch gồm trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể tại Hà Nội và không bao gồm đơn vị sự nghiệp, đơn vị đặc thù.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng đồng thời xác định các trụ sở cần di dời. Bộ, ngành phải dự báo nhu cầu phát triển trong giai đoạn trước mắt, cũng như lâu dài; đề xuất lựa chọn các chỉ tiêu quy hoạch; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xác định các yêu cầu về cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác.

Bộ Tài chính có chỉ tiêu đất là 0,98 ha. Ảnh: taisancong.
Theo quyết định, khu trung tâm tại Hồ Tây sẽ có quy mô khoảng 35 ha và khu Mễ Trì với khoảng 30 ha. Các bộ, ngành lựa chọn mô hình, đề xuất giải pháp quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và lập hồ sơ quy hoạch theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan lập đồ án xây dựng hệ thống trụ sở làm việc. Cạnh đó, các đơn vị cần bố trí nguồn vốn, dự toán chi phí và các hoạt động khác có liên quan.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khoảng 11 bộ, một cơ quan thuộc Chính phủ và 5 cơ quan đoàn thể sẽ phải di dời trong thời gian tới. Có 12 bộ và cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và một đoàn thể đã ổn định vị trí.
Trụ sở bộ, ngành trong nội thành có chỉ tiêu về đất tương đối thấp, như Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch có 0,47 ha, Bộ Tài chính có 0,98 ha, bình quân 15 m2/người. Một số bộ, ngành phải chia nhiều địa điểm gây khó khăn cho công tác điều hành. Các dịch vụ công cộng, nhà khách, bãi đỗ xe, cây xanh sân vườn thiếu đất xây dựng. Quỹ đất chật hẹp đã ảnh hưởng tới điều kiện làm việc của cán bộ, công chức và gây trở ngại với khách đến làm việc.
Hoàng Lan