Đoàn thư ký kỳ họp vừa thông báo kết quả tổng hợp xin ý kiến đại biểu Quốc hội về chủ trương ban hành nghị quyết về việc người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số phiếu thu về hợp lệ là 470, trong đó 411 phiếu đồng ý (87%); 48 phiếu không đồng ý (10%) và 11 phiếu ý kiến khác (2%).
Trên cơ sở kết quả xin ý kiến, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Pháp luật... hoàn thiện dự thảo nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 27/5, trước hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ sửa điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu, sau đó mới quyết định.
Theo Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016), người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm. Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, hàng nghìn công nhân ở TP HCM, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã ngừng việc tập thể phản đối điều luật trên. Họ không muốn chờ đến tuổi nghỉ hưu mà muốn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau nghỉ nghỉ việc. Lãnh đạo Bộ Lao động đã trực tiếp đối thoại với công nhân, cam kết sẽ kiến nghị Chính phủ sửa luật theo hướng linh hoạt.
Võ Hải