Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, cho biết những ngày gần đây số bệnh nhi đến khám không tăng nhưng trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản), tiêu chảy lại tăng vọt; đặc biệt đến khám về đêm. Có những tối kíp trực hai bác sĩ phải khám cho 50-60 bé, thậm chí 70.
“Bệnh nhi viêm phổi tăng lên gấp đôi ngày thường, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới một tuổi. Đó chỉ là những ca nặng phải nhập viện, chưa tính đến những trường hợp nhẹ thì được về điều trị tại nhà”, tiến sĩ Dũng nói.
Ngoài ra, miền Bắc đang bước vào mùa bệnh tiêu chảy do rotavirus, hay tiêu chảy mùa đông, nên cha mẹ cần lưu ý bù nước cho trẻ đúng cách. Tình trạng mất nước nhiều có thể đe dọa tính mạng trẻ bởi dễ bị sốc giảm thể tích.
Khoa Nhi mới cấp cứu cho một trẻ 9 tháng tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội, bị tiêu chảy, mất nước nặng do gia đình chủ quan. 3 ngày trước khi nhập viện trẻ có biểu hiện ho, sốt; đi khám thì được chẩn đoán bị viêm đường hô hấp. Về nhà trẻ ho, nôn trớ nhiều, đi ngoài, sốt 41 độ nhưng người nhà lại nghĩ tình trạng đi ngoài của bé là do tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa của thuốc kháng sinh. Đến khi bé lịm đi gia đình mới đưa đến bệnh viện Phú Xuyên, sau đó chuyển thẳng lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tay chân lạnh, thở nhanh, tím, mạch không bắt được. Sau cấp cứu một tiếng bé mới dần ổn định.
Bác sĩ khuyến cáo, với trẻ nhỏ, trong thời tiết này việc quan trọng nhất là giữ ấm cơ thể, nhất là vào buổi sáng sớm và tối. Nhiều bố mẹ mặc ấm cho trẻ nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu trẻ cũng có thể nhiễm lạnh và đổ bệnh. Bên cạnh đó, nên tắm cho trẻ trong phòng kín, tránh gió lùa, không tắm quá lâu. Đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống nên pha thêm nước nóng để tan giá. Trẻ có biểu hiện bệnh cần đưa đi khám để được điều trị kịp thời, tránh bệnh ngày càng nặng hơn. Để phòng bệnh tiêu chảy, cần lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ, có thể phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus bằng văcxin.
Phương Trang