Chiều 16/6, Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, cần chấp nhận hình thức tố cáo nặc danh, gửi đơn qua email, fax...
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, hai hình thức tố cáo bằng đơn thư và trực tiếp là để làm rõ thời gian, địa điểm, nội dung tố cáo. "Những hình thức khác nếu đáp ứng được yêu cầu thì vẫn nên giải quyết, không nên hạn chế quyền tố cáo của công dân”, ông nói.
Trước lo ngại người tố cáo có thể dùng sim điện thoại rác, email rác, ông Hồng nói dù sử dụng hình thức nào thì người tố cáo vẫn phải ghi rõ nội dung, tên, địa chỉ. “Nghĩa là cơ quan chức năng có thể xác định rõ người tố cáo là ai, thì tại sao lại hạn chế? Phải chăng chúng ta còn tư tưởng không quản được thì cấm?”, ông Hồng nêu vấn đề.
Nhận định việc bảo vệ người tố cáo hiện chưa đầy đủ, họ có thể bị đe dọa, khủng bố bằng nhiều hình thức khác nhau, ông Hồng đề nghị nên chấp nhận giải quyết đơn tố cáo nặc danh với một trình chặt chẽ, có giám sát để chống việc sử dụng đơn nặc danh vào mục đích vu khống.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên cũng cho rằng, dự thảo Luật cần đưa ra quy trình, thủ tục tương ứng với tính đặc thù của từng hình thức tố cáo để xử lý thông tin kịp thời, không nên hạn chế các hình thức tố cáo.
Nêu quan điểm khác, đại biểu Nguyễn Bá Sơn lo ngại hiện Việt Nam không quản lý hết được tên miền, số điện thoại và hộp thư điện tử. Vì vậy, chỉ trong vòng 2 phút, bất cứ ai cũng có thể tạo ra được một hộp thư điện tử, gửi thông tin tố cáo gửi đến các cơ quan nhà nước, nhưng sau đó nhà chức trách không tìm ra được người tố cáo là ai.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đặt câu hỏi: “Nếu chấp nhận giải quyết tố cáo nặc danh và bổ sung các hình thức tố cáo khác (qua email, tin nhắn...), liệu chúng ta có kiểm soát được không?”.
Dự thảo Luật tố cáo sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm.