Ngày 18/7, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 9, nhiều đại biểu không đồng tình xây thêm 4 nhà máy thủy điện ở huyện Nam Trà My mà UBND đề nghị.
Bà Lê Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho hay, việc đầu tư xây dựng thêm 4 thủy điện là không cần thiết và chưa tính đến hệ lụy sâu xa.
"Tôi chưa thấy tỉnh nào có nhiều thủy điện như Quảng Nam", bà Thủy nói và cho rằng việc xây dựng thêm thủy điện chỉ mới tính đến cái lợi trước mắt. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn, việc mất đất sản xuất, mất rừng tự nhiên chưa được tính toán kỹ.
Theo bà Thủy, diện tích rừng bị thu hẹp để làm thủy điện sẽ tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của đồng bào miền núi vốn gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng.
“Việc phá rừng làm thủy điện giống như mảng da trên người sẽ mất dần, hậu thế trăm năm sau nói chúng ta là tội đồ”, bà Thủy nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội nông dân Quảng Nam đề nghị “phải thận trọng, không vội vàng, đánh giá chặt chẽ báo cáo tác động môi trường” khi đề xuất làm thủy điện.
Một số đại biểu khác đề xuất phát triển năng lượng khác ngoài thủy điện để đảm bảo tính bền vững, không phát sinh hệ lụy về môi trường.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My bảo vệ quan điểm xây dựng thêm 4 thủy điện trên địa bàn huyện là cần thiết. Theo ông, huyện miền núi này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, nguyên nhân do thiếu điện.
“Điện lưới trên địa bàn chỉ có một đường dây 35kV nên cứ chiều tối là mất điện, vào mùa mưa có khi mất cả tuần”, ông Bửu nêu khó khăn.
Ông Bửu nói thêm, địa phương đang phát triển cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư và xây dựng các cụm công nghiệp, nếu không có điện thì doanh nghiệp không thể hoạt động.
“Để đầu tư đường dây 110Kv từ huyện Bắc Trà My thì cần kinh phí hơn 400 tỷ đồng, tiền thì không có. Việc xây dựng 4 thủy điện này giảm được nguồn ngân sách lớn, vì doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư đường dây”, ông Bửu nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương cho rằng việc xây dựng 4 thủy điện đã xem xét rất kỹ, tất cả 4 nhà máy có công suất nhỏ, chiếm diện tích đất rừng ít; ảnh hưởng tự nhiên, môi trường sinh thái nhỏ. Hồ chứa các nhà máy không đáng kể, hồ lớn nhất một triệu mét khối, còn lại từ 500-600 nghìn mét khối.
Ông Thử phân tích, nguồn nước các nhà máy thủy điện này chảy về thủy điện Sông Tranh 2, dòng chảy không bị thay đổi xuống hạ du.
Trước lo ngại thủy điện gây ra động đất, ông Thử cho hay các trận động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 là động đất kích thích, chuyên gia ghi nhận là hiện tượng bình thường, không gây thiệt hại.
“Sắp tới huyện Nam Trà My thành “thủ phủ của đại gia” sâm Ngọc Linh nhưng không có điện thì quá bất cập. Nếu không xây dựng các nhà máy thủy điện thì đến bao giờ Nam Trà My mới có đường điện 110Kv”, ông Thử cho hay.
Nghị quyết về việc xây dựng 4 thủy điện tại huyện Nam Trà My dự kiến được Hội đồng nhân tỉnh Quảng Nam quyết định vào phiên họp sáng 19/7.
UBND Quảng Nam có tờ trình gửi HĐND tỉnh, đề nghị bổ sung 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Nam Trà My, gồm Trà Linh 1; Tăk Lê; Nước Lah và Trà Leng. Số thủy điện này có công suất 78,8 MW, tổng diện tích khoảng 144 ha. Trong đó, qũy đất từ lâm nghiệp 60 ha thuộc đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất; số còn lại không ảnh hưởng đến đất lúa, đất canh tác của người dân. Theo Sở Công Thương Quảng Nam, toàn tỉnh có 42 dự án thủy điện với 10 thủy điện lớn; 32 thủy điện vừa và nhỏ. Huyện Nam Trà My có thủy điện sông Tranh 2. Thời gian qua một số khu vực ở huyện này đã nhiều lần xảy ra động đất, cường độ cao nhất 3,9 độ richter. |
Đắc Thành