Đã hơn chục ngày, Thương vẫn chưa hết lo sợ mỗi khi nghĩ đến nhà hàng Thanh Loan. Ảnh: Tiền Phong |
Buồng số 2, khoa Ngoại (Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn) - nơi Bùi Thị Thương (sinh năm 1979, tại thôn Đạo - xã Lương Ngoại, Bá Thước, Thanh Hóa), nạn nhân trong vụ hành hạ dã man trên, mấy ngày qua luôn đông nghẹt người. Họ không phải là người nhà bệnh nhân mà là dân thường quanh đó, bất bình trước việc hành hạ dã man nhân viên của ông chủ nhà hàng Thanh Loan nên đến thăm hỏi, động viên; nhiều người còn quyên góp tiền, quà… giúp đỡ.
Giọng nói vẫn còn run, ánh mắt hiện rõ sự kinh hoàng, Bùi Thị Thương kể lại: “Ngày 24/4, dưới sự chỉ đạo của chủ (ông Trịnh Tiến Hải và bà Nguyễn Thanh Loan), ba nhân viên khác (tên là Thắng, Đức và Tiên) đã thay nhau đấm đá túi bụi khắp người em. Chúng xô em vào chuồng lợn, rồi lôi ra cho chó cắn rách hết quần áo, sau đó tiếp tục bắt em làm việc…”.
Kể đến đây, Thương dừng lại khóc, thu người vào góc giường, lấm lét nhìn ra cửa. Ở đó, có một tên đầu gấu nổi tiếng ở Lương Sơn, là bảo kê của quán Thanh Loan, đang dò xét. Mấy ngày qua, tên này vẫn thường xuyên xuất hiện tại đây. Rồi Thương kể tiếp: “Mặc dù rất đau và mệt nhưng em vẫn phải rửa bát. Lúc này, ông Hải từ nhà trên đi xuống, cầm dây, kéo em rồi trói vào cột nhà. Sau đó, ông ta lấy kìm sửa xe, kẹp khắp người em. Máu chảy be bét, em đau quá, ngất đi một lúc. Tiếp đó, ông ta lấy dao, hai lần xúc phân lợn đổ vào miệng, bắt em ăn rồi bắt đầu trận đòn kinh hoàng… ”.
Quá sợ hãi vì trận đòn, Thương tìm cách bỏ trốn. Để thoát khỏi nhà hàng này, không có cách nào khác là phải trèo qua bức tường cao hơn 2 m. Sau nhiều lần trượt ngã, Thương đã vượt qua bức tường và chạy sang nhà bên cạnh. Lúc này, nhà hàng xóm không có ai ở nhà. Vì quá mệt, Thương ngất xỉu…
Lúc tỉnh dậy (khoảng 8h giờ tối), thấy một người đàn ông đang ngồi trực bên cạnh, tưởng người của nhà hàng, Thương hét toáng, toan chạy. Người đàn ông lắc đầu, tự giới thiệu là công an viên của xóm, rồi lấy nước cho Thương uống. Sau khi được lấy lời khai, 23h40 ngày 24/4, Thương được công an viên và một số người dân đưa lên Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn.
Thế nhưng, do lo sợ sự việc bại lộ, khoảng 1h ngày 25/4, ông Hải và bà Loan cho người lẻn vào bệnh viện đưa Thương về nhà hàng. Về đây, vợ chồng chủ nhà hàng Thanh Loan lại nhốt Thương vào buồng kín. Được tin báo, công an lại phải “đột nhập” nhà hàng đưa Thương trở lại bệnh viện… Điều này phù hợp với hồ sơ quản lý bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn.
Những lần “vượt ngục” bất thành
Nghe lời dụ dỗ của một người quen, Thương được đưa lên nhà hàng làm việc từ tháng 9/2005 với mức lương 400.000 đồng một tháng. Thế nhưng, từ đó đến nay đã 8 tháng ròng, Thương vẫn chưa được trả đồng nào. Không những thế, cũng đã 8 tháng ròng, Thương chưa một lần được bước chân ra khỏi nhà hàng này. Bị bỏ đói đối với Thương đã là chuyện thường ngày.
“Rất nhiều đợt, 2-3 ngày liền, em không được ông bà chủ cho ăn gì, đói và mệt lả, lê bước còn khó. Thế nhưng em vẫn phải quần quật làm việc cả ngày, với đủ các công việc: lau dọn sàn nhà, nấu cám và cho lợn ăn, rửa bát, tắm cho chó, tưới cây, gánh nước, giặt giũ quần áo… và bưng bê, dọn bàn. Em không có quyền thắc mắc, nói chuyện với bất cứ ai. Đây là nhà tù, là nơi giam lỏng chứ chẳng phải nơi em làm thuê kiếm chút tiền nuôi con…”.
Vì thế, Thương đã ba lần bỏ trốn nhưng không thành. Một lần, lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, Thương trốn ra khỏi nhà, chạy ra cánh đồng trước mặt rồi ở trong một lò gạch cũ, nhưng cuối cùng bị chủ phát hiện, bắt về.
Lần khác, Thương trốn bằng cách vượt qua bức tường phía sau nhà, chạy được một đoạn thì bị phát hiện, bắt về. Lần gần đây nhất, Thương đã lên được ôtô nhưng lại nhầm tuyến, chạy lên phía thị xã Hòa Bình, nên chủ truy tìm được, bắt về.
Tháng 2/2006, ông Bùi Hồng Hiệp (bố đẻ của Thương) lặn lội mấy trăm cây số từ Bá Thước, Thanh Hóa ra tìm con, nhưng ông Hải không cho gặp. Biết chuyện, ông Hải còn nhốt Thương vào chuồng nuôi chó phía sau nhà để bố con Thương không gặp nhau. Nhiều đêm Thương chỉ còn biết lặng lẽ khóc thầm…
Bây giờ, khi nhắc tên nhà hàng Thanh Loan, Thương vẫn còn sợ hãi. Bà con quanh thị trấn biết tin vẫn lén đến thăm hỏi, cho quà. Họ cũng sợ bị trả thù… Bố đẻ của Thương nói bằng giọng run run: “Mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để trừng trị kẻ đã hành hạ con gái tôi. Chúng hành xử con gái tôi bằng những hành động dã man và không còn tính người…”.
Vỡ mộng thoát nghèo
Cùng chung hoàn cảnh với nhiều cô gái của bản làng nghèo vùng núi cao miền tây Thanh Hóa, năm 1995, vừa tròn 16 tuổi, Bùi Thị Thương đã về nhà chồng. Sau đó không lâu, Thương sinh hai đứa con (1 trai, 1 gái), đứa lớn năm nay mới học lớp 2, đứa nhỏ học lớp 1. Căn nhà lá lụp xụp, mấy năm nay dột nát nhiều vì mưa nắng, vẫn chưa có điều kiện lợp lá mới.
Hai ha cây lâm nghiệp (luồng, keo lá tràm và lát) được Nhà nước giao quản lý, chưa cho thu hoạch. Bố mẹ chồng năm nay đều đã ở tuổi “cổ lai hy”, đau ốm liên miên. 6 miệng ăn trông chờ vào 5 sào ruộng khoán. Năm nào được mùa thì thiếu ăn chỉ vài tháng, năm nào mất mùa thì đói triền miên.
Năm 2003, với hy vọng có vốn làm ăn để thoát nghèo, vợ chồng Thương vay ngân hàng chính sách xã hội huyện 5 triệu đồng. Thế nhưng, đúng như các cụ nói: “Tiền vào nhà trống…”. Năm 2005, không có tiền trả, ngân hàng đành gia hạn đến 2007.
Túng quẫn cùng cực, tháng 9/2005, theo lời dụ dỗ của một người quen, Thương được đưa về nhà hàng Thanh Loan làm việc, với mức lương thỏa thuận 400.000 đồng một tháng (ăn, ở tại nhà hàng).
Thế nhưng, từ đó đến nay, Thương như bị tù đày: không được tiếp xúc bên ngoài, không được liên lạc với chồng con, không được ăn no, mặc ấm; lại thường xuyên bị đánh đập, chửi bới. Nhiều đêm trằn trọc, nhớ hai đứa nhỏ, Thương chỉ biết ôm mặt khóc…
(Theo Tiền Phong)