UBND TP HCM vừa chấp thuận cho Trung tâm chống ngập cùng các bên liên quan làm việc với một công ty của Nhật Bản để lựa chọn vị trí xây thí điểm hồ điều tiết dung tích 100 m3, bằng vật liệu "Cross - Wave", để giải quyết ngập trên địa bàn.
Đây là vật liệu chế tạo từ Polypropylene, được cho là có độ bền cao, dễ thi công tháo lắp, có thể áp dụng tại các khu vực mặt bằng nhỏ hẹp, không gian trữ nước lên tới 90% và thân thiện môi trường.
Với khả năng chịu tải thẳng đứng 25 tấn, sau khi xây dựng xong hồ điều tiết ngầm, mặt bằng sẽ được hoàn trả cho các công trình như công viên, bãi đỗ xe, sân vận động... Vì vậy, việc ứng dụng vật liệu này để xây hồ điều tiết được cho là rất thích hợp với những đô thị lớn, năng động và quỹ đất không còn nhiều như TP HCM.
Xây hồ điều tiết là một trong những giải pháp chống ngập mà TP HCM đang triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Thành phố cũng đang chuẩn bị các bước để xây 3 hồ điều tiết với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu trung tâm.
Trong đó, lớn nhất là hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức) với diện tích 95 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; hồ Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8 ha 300 tỷ đồng và hồ Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4 ha với kinh phí 50 tỷ đồng. Ngoài ra, một số hồ cảnh quan trong công viên sẽ được mở rộng, gia cố thành hồ điều tiết nước.
Theo các chuyên gia quy hoạch, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết thì lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố.
Tuy nhiên, theo Trung tâm chống ngập, khó khăn lớn nhất trong việc xây hồ điều tiết vẫn là quỹ đất trống quá hạn hẹp, chưa kể để chọn được vị trí thấp để nước mưa từ mặt đường, cống đổ về hồ được cũng không hề đơn giản. Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn chưa có các quy chuẩn kỹ thuật về xây hồ điều tiết đô thị nên trung tâm phải vừa đề xuất xây dựng một hồ thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên chưa biết khi nào thành phố mới có hồ điều tiết đầu tiên.
Hữu Nguyên