Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP HCM trong quý 1/2014 chiều 27/3, trả lời báo chí về thông tin Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM phát hiện tài liệu về lời khai 2,8 triệu USD đã được gửi cho các cơ quan ở Hà Nội để "bôi trơn" dự án đầu tư vào khu đô thị Sing - Việt ở TP HCM, ông Võ Văn Luận - Chánh văn phòng UBND TP cho biết, đây là vấn đề rất nhạy cảm, đúng sai thế nào cần có quá trình điều tra xác minh.
Ông Luận cũng cho hay, UBND TP HCM vừa nhận được kiến nghị của Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM chuyển qua, yêu cầu cần làm rõ nghi vấn về phí "bôi trơn" này. "Lãnh đạo UBND thành phố cũng có chủ trương phải làm rõ vấn đề để lành mạnh hóa việc đầu tư. Hiện, Ban nội chính Trung ương đã vào cuộc điều tra về nghi vấn này", vị đại diện nói thêm.
Theo kiến nghị của Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM, với số vốn đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD, dự án Khu đô thị Sing - Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP HCM) là khu liên hợp thể thao, khu liên hợp du lịch, thương mại và khu căn hộ để ở có diện tích hơn 331 ha. Năm 2007, UBND TP HCM giao cho Công ty Liên doanh đô thị Sing - Việt bao gồm các công ty Singapore cùng với Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ khi có giấy chứng nhận đầu tư đến nay, chưa có bất kỳ hoạt động đầu tư đáng kể nào.
Tiếp đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh rút khỏi liên doanh, chỉ còn 4 công ty nước ngoài. Gần cuối năm 2011, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất, thay đổi dự án Công ty Liên doanh đô thị Sing - Việt thành Công ty TNHH Đô thị Sing - Việt (Sing Viet City LTD) với 100% vốn nước ngoài, tiếp tục được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Ngày 1/12/2011, UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ hai thì người đại diện Công ty Sing - Việt bị đổi từ người Singapore sang người Malaysia. Công ty thành viên là ST.Martin’s Properties (viết tắt SMP, công ty Singapore) khởi kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM cho rằng sự điều chỉnh này là bất hợp pháp vì không được sự đồng ý từ các công ty thành viên.
Phía các công ty đầu tư yêu cầu TAND TP HCM tuyên hủy các giấy chứng nhận đầu tư đã điều chỉnh; giữ nguyên tính hiệu lực của giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu; buộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM liên đới bồi thường 300 triệu USD cho phía các công ty chủ đầu tư. Tuy nhiên, ngày 8/7/2013, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã bác yêu cầu này. Phía nguyên đơn kháng cáo.
Trong phiên xử ngày 30/10/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM nhận định vụ kiện xuất hiện chứng cứ quan trọng mới nhưng HĐXX không thể bổ sung được tại phiên tòa phúc thẩm nên hủy bản án sơ thẩm. Cùng với đó, toà kiến nghị UBND TP HCM buộc các bên liên quan phải giải trình về nghi vấn "bôi trơn" "các cơ quan ở Hà Nội" số tiền 2,8 triệu USD, nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra. Theo toà, việc này là cần thiết để thành phố có biện pháp quản lý đầu tư tốt hơn, nhằm tạo môi trường đầu tư trong sạch, hiệu quả và chống tham nhũng trong công tác đầu tư.
Chánh văn phòng UBND TP HCM cho biết thêm, thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư dự án khu đô thị Sing - Việt trước đây là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau này mới phân cấp cho thành phố. "Tôi khẳng định là hiện nay thành phố đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên thủ tục đổi giấy phép rất đơn giản không có gì phải bôi trơn. Thành phố cũng sẽ làm sáng tỏ vấn đề này để bảo vệ danh dự của thành phố", ông Luận nói.
Trước thông tin được các nhà đầu tư tiết lộ là họ phải "lót tay" ít nhất 1% của dự án cho các quan chức. Ông Luận khẳng định các thủ tục đầu tư của thành phố rất thông thoáng và minh bạch nên không có gì mà phải "bôi trơn". "Các doanh nghiệp chi 1% hay bao nhiêu tôi không biết, song tại UBND TP HCM là không có chuyện bôi trơn", người phát ngôn UBND TP HCM khẳng định.
Cũng theo ông Luận, sau khi xuất hiện vụ việc công ty Nhật hối lộ quan chức ngành đường sắt ở dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM đã cho rà soát lại các dự án đường sắt vay vốn ODA của Nhật Bản. Trong đó, Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) có tham gia vào tuyến đường sắt số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tuy nhiên, sau khi rà soát, tất cả các quy trình đều làm đúng. Tại phía Nam, ngoài tuyến metro số 1, JTC còn tham gia vào dự án nghiên cứu đường sắt trên cao Hòa Hưng - Trảng Bom.
Trung Sơn - Kiến Tường