Sở Giao thông Vận tải vừa trình UBND TP HCM 4 phương án điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất do nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu.
Đầu tiên là quan điểm phản biện phương án mở rộng nhà ga về phía Nam do Bộ Giao thông Vận tải thống nhất trình Chính phủ trước đó.
Phương án 2: Không mở rộng sân bay, điều chỉnh giao thông trong Tân Sơn Nhất và nâng cao năng lực điều hành của bộ phận điều khiển không lưu (từ 5 phút xuống còn 2 phút mỗi lần cất, hạ cánh).
Phương án 3: Mở rộng sân bay về phía Bắc (sân golf), xây thêm nhà ga, bãi đỗ và đường lăn, thêm kết nối giao thông với sân bay phía Bắc. Công suất sân bay sẽ đạt 50 triệu hành khách một năm.
Phương án cuối cùng cũng chọn cách mở rộng sân bay về phía Bắc, với các hạng mục như phương án 3 nhưng sẽ xây thêm đường băng để công suất sân bay đón được 70-90 triệu hành khách mỗi năm.
Các chuyên gia đang tập trung nghiên cứu ở các nội dung: năng lực hiện nay của đường băng cất, hạ cánh, đường lăn, bãi đỗ máy bay, nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất; phương tiện kỹ thuật và năng lực quản lý điều hành không lưu; nhu cầu mở rộng tăng năng suất sân bay; nhu cầu kết nối giao thông đô thị vào sân bay hiện nay và tương lai; vấn đề thoát nước…
Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã thành lập nhóm nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất do PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không trường ĐH Bách Khoa TP HCM - làm trưởng nhóm.
Các thành viên khác gồm nhiều chuyên gia trong ngành hàng không, giao thông, quy hoạch như trung tá Lê Trọng Sành, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, TS Phạm Sanh, TS Nguyễn Bách Phúc...
Theo ông Nhân, dự kiến vào đầu tháng 9 TP HCM sẽ hoàn chỉnh phương án để báo cáo Thủ tướng. Cuối năm, thành phố cũng xin tham gia phản biện trong cuộc họp của Chính phủ với các bộ ngành về việc cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan và nhóm nghiên cứu. Nguồn kinh phí thực hiện việc nghiên cứu từ ngân sách thành phố.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc cả trên trời, nhà ga và cả ngoài đường vì sản lượng hành khách hàng năm đã vượt quá công suất thiết kế. Sân bay chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80. Hai đường băng nhưng chỉ một đường lăn ra vào hai chiều, tàu bay này hạ cánh đi vào nhà ga thì tàu bay khác phải chờ.
Vì hết vị trí đỗ nên tàu bay phải chờ trên đường lăn, khiến có lúc chín chiếc khác phải bay vòng vòng 30 phút trên trời. Hai nhà ga hiện nay cũng thường rơi vào cảnh quá tải, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Không chỉ quá tải trong đường lăn, nhà ga mà các tuyến đường bên ngoài kết nối quanh khu vực sân bay như Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn… cũng quá tải do mật độ xe quá đông. Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường này, chỉ cần một vụ tai nạn có thể khiến toàn bộ giao thông quanh sân bay rối loạn.
Xem thêm: Tân Sơn Nhất và những dấu ấn trong 100 năm
Hữu Nguyên