Sở Kế hoạch Đầu tư vừa đề xuất UBND TP HCM vay gần 900 triệu đôla từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong giai đoạn 2016–2020 để xây 4 nhà máy xử lý nước thải.
Trong đó, nhà máy thu gom xử lý nước thải Tây Sài Gòn (công suất 150.000 m3 mỗi ngày) cần vay 513 triệu USD; trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 (công suất 170.000 m3) sẽ vay 81 triệu. Hai nhà máy Bình Tân (công suất 180.000 m3) và nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm (công suất 300.000 m3) sẽ vay lần lượt 225 và hơn 67 triệu USD.
Sau khi đề xuất, UBND thành phố sẽ làm việc cùng các bộ ngành để rà soát, trao đổi cụ thể về số vốn vay trước khi chính thức đề nghị với ADB.
Hiện, TP HCM mới có 2 nhà máy xử lý nước thải hoạt động là Bình Hưng (công suất một ngày 141.000 m3 - giai đoạn 1) và nhà máy Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3), chỉ đạt hơn 13% bởi thành phố thải ra tới 2 triệu m3 mỗi ngày. Theo quy hoạch, TP HCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải chủ yếu tập trung tại lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương – Bến Cát…
Cùng với việc muốn vay tiền cho dự án xử lý nước thải, Sở Kế hoạch Đầu tư còn trình UBND thành phố vay hơn 3 tỷ đôla đầu tư xây các công trình hạ tầng, giao thông. Trong đó, khoảng 500 triệu USD xây tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), gần 2 tỷ thực hiện dự án metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), xây nhà ga metro Bến Thành hết 500 triệu, thi công trung tâm điều khiển giao thông thành phố khoảng 300 triệu USD…
Sơn Hòa