UBND TP vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường liên kết với các tỉnh liền kề Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh xử lý lục bình khai thông dòng chảy trên các sông chung dòng chảy như Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông; các kênh, rạch nằm giữa địa giới hành chính.
TP HCM hiện có khoảng 170 kênh rạch với gần 700 km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài số lục bình tại chỗ, số khác theo dòng nước di chuyển từ đầu nguồn thuộc các tỉnh liền kề đã khiến sông rạch Sài Gòn ngập tràn lục bình.
Hiện, phương pháp vớt lục bình vẫn làm theo kiểu chèo xuồng rồi tập kết bằng đường bộ để xử lý như rác thải sinh hoạt. Kiểu xử lý này thủ công vừa không mang lại hiệu quả cao trong khi mỗi năm TP HCM phải bỏ ra hơn 2,7 tỷ đồng thực hiện.
UBND TP cũng giao các đơn vị liên quan lựa phương án vớt lục bình, rong cỏ và rác thải trên sông, kênh, rạch. Quận, huyện phải chọn địa điểm tập kết đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị khi tiến hành xử lý. Ngoài ra, Sở Khoa học Công nghệ phải phối hợp với Tổng công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn nghiên cứu cách nâng cao hiệu suất máy cắt, vớt lục bình, báo cáo kết quả cuối tháng
Trước đó, giữa năm 2013, UBND TP đã thống nhất thử nghiệm hệ thống máy cắt, vớt do ĐH Công nghiệp nghiên cứu chế tạo tại một số kênh rạch của quận Bình Thạnh. Máy cũng được giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn phối hợp cải tiến thêm chức năng, Trung tâm Công nghệ sinh học tổ chức chuyển giao công nghệ xử lý ủ hoai, sản xuất nguyên vật liệu phân bón hữu cơ, vi sinh từ cây lục bình… Tuy nhiên, đến nay lục bình vẫn là một vấn nạn mà TP HCM chưa thể xử lý triệt để.
Sơn Hòa