Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cho biết, hầu hết các đơn vị vận tải xe buýt đều đã thống nhất chủ trương lắp đặt camera trên xe buýt. Việc thực hiện sẽ bắt đầu những tháng tới và dự kiến hoàn tất trong năm sau. Riêng các xe mới thuộc đề án 1.680 xe buýt của TP hoặc đơn vị xe buýt tự đầu tư đều buộc phải lắp đặt camera.
Cũng theo trung tâm này, kinh phí đầu tư cho thiết bị, lắp đặt khoảng 13 triệu đồng/xe và chi phí vận hành khoảng 400.000 đồng/xe/tháng là tương đối lớn. Vì vậy, cơ quan này sẽ tham mưu cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) theo 2 hướng: kiến nghị UBND TP xem xét hỗ trợ các đơn vị vận tải đã đầu tư lắp đặt đồng bộ trên xe buýt; hoặc đưa nội dung chi phí thiết bị vào tính toán đơn giá để tính trợ giá.
Trước đó, cuối tháng 5, Sở GTVT TP HCM đã yêu cầu Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố làm việc với các hãng xe buýt về việc gắn camera trên loại phương tiện này để giúp doanh nghiệp vận tải kiểm soát sản lượng, nâng cao chất lượng phục vụ... Từ đó, đánh giá và tiếp tục gắn camera trên các xe còn lại.
TP HCM hiện có gần 2.800 xe buýt hoạt động trên 107 tuyến có trợ giá và khoảng 400 xe hoạt động trên 32 tuyến không trợ giá. Thời gian qua, ngành giao thông thành phố đã thực hiện nhiều chương trình để thu hút người dân sử dụng loại hình vận chuyển hành khách công cộng này. Tuy nhiên, xe buýt hiện vẫn chưa thực sự trở thành phương tiện đi lại phổ biến của người dân, thậm chí nhiều người vẫn còn "ngán" và xem xe buýt là "hung thần".
Một trong những than phiền của người đi xe buýt hiện nay là dịch vụ xe buýt chưa tốt. Nhiều người, đặc biệt các sinh viên đề xuất lắp đặt camera để hạn chế nạn trộm cắp, mất an toàn và chống tình trạng sàm sỡ trên của xe buýt.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, phân tích hơn 7.000 phản ảnh của hành khách đi xe buýt cho thấy, các lỗi chủ yếu của phương tiện này là phân biệt đối xử với hành khách (chiếm 8,5%), bỏ trạm không đón khách (23,9%), không cho hành khách xuống trạm (7,86%), văn hóa ứng xử kém (19,4%); còn lại là các phản ảnh liên quan đến vé, mức độ an toàn, lộ trình, thời gian...
Trong công văn gửi thành phố Hà Nội và TP HCM hồi đầu tháng 12 về việc quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng, Ủy ban ATGT Quốc gia đã dẫn chứng những thông tin từ phản ánh của báo chí và kết quả khảo sát của tổ chức Action Aid. Theo khảo sát tại Hà Nội và TP HCM, có 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) cho rằng đường phố là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối trên xe buýt. Nghiên cứu cũng chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, dù kết quả khảo sát chỉ thực hiện trên một mẫu nhỏ (2.046 người), nhưng phần nào phản ánh nguy cơ bị xâm hại về thân thể và nhân phẩm, gây tổn thương về tâm lý, tình cảm và sức khỏe của phụ nữ khi sử dụng dịch vụ công cộng. |
Hữu Nguyên