Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập cho biết, TP HCM hiện còn 68 điểm ngập úng do mưa. Trong đó, tại trung tâm có 20 điểm, 19 ở ngoại thành và 29 điểm ngập phát sinh. Nguyên nhân được cho là do các công trình đang được thi công, mưa lớn và dồn trong thời gian ngắn, rác ngăn cản khả năng thoát nước.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác được chỉ ra là do hệ thống thoát nước cũ kỹ, quá tải, kênh rạch bị bồi lắng khiến nước không thoát kịp.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP HCM cũng giao Trung tâm chống ngập tập trung xử lý 51 điểm ngập úng trong năm nay, những điểm còn lại sẽ giải quyết năm 2016. Sở dĩ không xử lý hết các điểm ngập úng vì nhiều tuyến đường tập trung dân cư đông, mật độ giao thông dày đặc như Lê Đức Thọ (Gò Vấp), Gò Dầu (Tân Phú), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh), An Dương Vương (quận 8), Hồ Ngọc Lãm (Bình Tân)...
Tình hình ngập úng ở TP HCM đã giảm đáng kể ở khu vực quận 6, 11 khi hệ thống kênh Tân Hóa – Lò Gốm được cải thiện một phần nhưng lại gia tăng ở những khu vực khác như Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân... Ngoài các điểm ngập do mưa, thành phố còn khoảng 10 điểm ngập do triều cường.
Sau vài cơn mưa đầu mùa trong tháng này, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng ngập nặng như Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Kinh Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Nguyễn Văn Quá, chợ Cầu (quận 12)… Có đường chỉ sau cơn mưa ngắn ngập đến nửa bánh khiến nhiều hàng trăm xe chết máy.
Trước đó, năm 2011 thành phố đã đặt mục tiêu xóa 58 điểm ngập do mưa, trong đó khu vực trung tâm có 31 điểm. Đến năm 2013 xóa được 47 điểm và chỉ còn 6 điểm ngập do mưa. Nhưng năm 2014 lại có 33 điểm tái ngập và phát sinh 29 điểm ngập mới. Theo Sở Giao thông Vận tải, có thể đến năm 2020 TP HCM mới xóa hết các điểm ngập.
Sơn Hòa