- Qua vụ cháy tòa nhà EVN 33 tầng ở Hà Nội, ông thấy vấn đề khó khăn nhất đối với công tác cứu nạn - cứu hộ và chữa cháy ở các nhà cao tầng là gì?
- Nhà cao tầng cách mặt đất hàng trăm mét nên công tác cứu hộ - cứu nạn cũng như triển khai các biện pháp chữa cháy rất khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận cứu người và triển khai thiết bị dập lửa. Cháy ở nhà cao tầng môi trường kín nên lượng khói dày đặc, khó phát hiện được gốc lửa để dập.
Ngoài ra, nhà cao tầng thường có những hộp gen kỹ thuật giữa các tầng để đấu nối hệ thống dây diện, dây dẫn ga, ống dẫn nước... Khi có sự cố cháy nổ rất dễ xảy ra kiểu dây chuyền. Các tầng sẽ bị cháy lan rất nhanh nên thiệt hại thường khó lường.
Nguy hiểm nhất là cháy ở nhà cao tầng chưa hoàn thiện vì hệ thống PCCC, cứu hộ cứu nạn chưa hoàn chỉnh, chưa được kết nối để bảo đảm an toàn.
![]() |
Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM. Ảnh: H.C. |
- Yêu cầu bắt buộc về PCCC đối với các tòa nhà cao tầng là gì, thưa ông?
- Tòa nhà bắt buộc phải có hệ thống chữa cháy vách tường. Tức là tại vách tường mỗi tầng của tòa nhà có nước, có hệ thống ống để khi xảy ra sự cố cháy nổ có thể triển khai ngay. Đồng thời phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm và phải kín để khói không thể vào được cũng như đủ rộng để cùng một lúc nhiều người có thể chạy thoát. Nhà cao tầng còn phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động (khi nhiệt độ cao hơn 68 độ C hệ thống này sẽ tự hoạt động để dập tắt lửa).
Ngoài ra, các tòa nhà cũng phải có hệ thống chiếu sáng bảo vệ; hệ thống hỗ trợ như thang dây, ống tuột để nạn nhân thoát nạn; hệ thống thang máy dành riêng khi xảy ra sự cố và sử dụng 2 nguồn điện.
- Tại TP HCM, trang thiết bị để chữa cháy nhà cao tầng hiện nay gồm có những gì?
- Thành phố có xe thang cao 72 m đã trang bị từ năm 1999. Xe nặng 47 tấn, dài gần 15 m và có 4 chân thớt để đưa thang lên cao theo chiều thẳng đứng, có cánh tay vươn ra phục vụ công tác chữa cháy ở các tầng cao. Nhưng khi lên đến độ cao 72 m, đỉnh thang có thể bị dao động 1-2 m, nên công tác cứu hộ, cứu nạn cũng rất khó thực hiện. Còn loại 32-52 m thì thao tác thuận lợi, cơ động và hiệu quả hơn nên lực lượng PCCC sử dụng nhiều, nhất là đối với các nhà cao 10-12 tầng.
Ngoài ra, thành phố cũng đã trang bị loại xe cứu hỏa công nghệ 1/7 hiện đại, dùng hóa chất chuyên dụng có thể khống chế lửa đến tầng 54 (bãi đáp trực thăng), cao gần 200 m.
- Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định, TP HCM có xe thang cao 72 mét nhưng không bao giờ sử dụng vì nếu vận hành thì toàn bộ hạ tầng đường sá, cầu cống trên đường xe đi sập hết, ý kiến của ông thế nào?
- Không có chuyện chiếc xe cao thang cao nhất thế giới này gây sập đường, sập cầu cống. Trước đây xe này từng được vận hành ở một số vụ cháy nhà cao tầng, nhưng do thời gian sử dụng đã lâu nên hiện bị trục trặc kỹ thuật. Chúng tôi đang sửa chữa. Hiện xe này đặt ở quận Tân Phú.
Trong vụ cháy tòa nhà ITC năm 2002, chúng tôi có điều động xe này đến hiện trường nhưng khi xe chạy đến đường Nguyễn Trung Trực (gần tòa nhà ITC), do đường quá hẹp nên không vào được mà chỉ có thể dùng xe thang loại 52 m.
- Lực lượng cảnh sát PCCC TP HCM đã lên phương án ra sao để ứng phó với sự cố ở các tòa nhà cao tầng?
- Việc đảm bảo các yêu cầu PCCC ở các tòa nhà là vô cùng quan trọng nên chúng tôi kiểm tra rất nghiêm ngặt, đặc biệt là sau vụ cháy tòa nhà ITC. Hiện chúng tôi nắm rõ, đánh dấu vị trí các tòa nhà cao tầng nằm ở đường nào, khu vực nào để lên phương án cụ thể cho từng tòa nhà nếu không may xảy ra sự cố.
Vừa qua, trước khi đưa vào sử dụng tòa nhà Bitexco 68 tầng cao nhất TP HCM, phương án chữa cháy tại đây cũng đã được thử nghiệm. Chúng tôi đã sử dụng xe cứu hỏa công nghệ 1/7 cho thấy hiệu quả.
![]() |
TP HCM hiện nay chủ yếu sử dụng xe thang loại 32 và 52 m để phục vụ công tác PCCC. Ảnh: H.C. |
- Sau vụ cháy tòa nhà EVN 33 tầng ở Hà Nội, ông đánh giá thế nào về việc trang bị máy bay trực thăng để phục vụ công tác cứu nạn và chữa cháy?
- Nếu trang bị được thì quá tốt bởi một số trường hợp khẩn cấp rất cần có trực thăng để cứu nạn, nhất là đối với nhà cao tầng. Nạn nhân rất dễ tử vong nếu bị ngạt khói 1-2 phút trong khi lực lượng cứu hộ cần có thời gian tiếp cận nạn nhân. Song, trong điều kiện hiện nay chỉ có quân đội mới được sử dụng máy bay trực thăng. Khi xảy ra thảm họa, tai nạn vô cùng nghiêm trọng thì Bộ Quốc phòng, lực lượng quân sự mới huy động để ứng cứu.
TP HCM thấy rất cần thiết phải có máy bay trực thăng cứu hộ và đã có chủ trương mua. Đến năm 2015 phải đầu tư ít nhất 1-2 chiếc để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, ngoài việc kinh phí để mua trực thăng rất lớn thì phạm vi quản lý máy bay liên quan đến nhiều ngành, cần phải được nhiều cơ quan cùng tham mưu. Rồi còn vấn đề không lưu, quy chế bay, bão dưỡng, đội ngũ phi công... cũng khá phức tạp bởi không phải mua về là dùng ngay, có khi mấy năm mới sử dụng đến, rất dễ hư hỏng.
- Trực thăng cứu hộ chỉ có thể cứu rất ít người mà lại cần phải có bãi đáp trong khi không phải tòa nhà nào cũng có bãi đáp cho trực thăng?
- Theo tôi, việc trang bị trực thăng cứu hộ là rất cần thiết cho công tác cứu hộ nhà cao tầng. Khi xảy ra sự cố, theo quán tính, người ta có thể chạy lên hoặc chạy xuống để thoát nạn. Thực tế có rất nhiều người chạy lên sân thượng tránh lửa nên dùng trực thăng cứu người sẽ hiệu quả hơn. Hiện nay có nhiều loại trực thăng không cần bãi đáp nhưng có khả năng định vị ở độ cao nhất định để đưa giỏ, thang dây xuống cứu hộ. Nhìn chung trực thăng cứu hộ cứu nạn rất tốt.
Theo số liệu thống kê của Sở cảnh sát PCCC TP HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 1080 nhà cao từ 7 tầng trở lên đã đưa vào hoạt động và 70 công trình nhà cao tầng đang được xây dựng. Gồm 593 tòa nhà cao từ 7-9 tầng, 371 tòa nhà từ 10-20 tầng, 38 tòa nhà từ 21-30 tầng, 7 tòa nhà từ 31-50 tầng và 1 tòa nhà cao hơn 50 tầng. |
Hữu Nguyên thực hiện