Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận vừa ký quyết định về việc đặt tên đường mới cho 8 tuyến đường trên địa bàn quận 9 gồm các thi sĩ Nguyễn Đình Thi, Xuân Quỳnh, Diệp Minh Tuyền, Huy Cận; 2 nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn và 2 nghệ sĩ Thanh Nga, Út Trà Ôn.
Cùng với 8 tuyến đường tại quận 9, 23 tuyến đường khác trên địa bàn quận 12 cũng được UBND TP HCM quyết định đặt tên mới là tên của các bà mẹ Việt Nam anh hùng gồm các mẹ Hà Thị Khiêm, Lê Thị Nho, Hà Thị Khéo...
31 tuyến đường vừa được UBND thành phố đặt tên mới là những đường đã hình thành từ nhiều năm, dân cư đông đúc nhưng chưa được cơ quan chức năng chính thức đặt tên. Các chủ đầu tư dự án và UBND các quận, huyện đã đặt tạm tên theo số đường (đường số 2, số 9 ở quận 9) hoặc các chữ cái đầu tiên của tên phường (TMT08, TMT9A ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12).
UBND TP HCM giao các Sở Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận tải Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Công an Thành phố, UBND quận 9 và 12 theo chức năng của mình tổ chức thực hiện những vấn đề liên quan đến việc đặt tên mới và sửa đổi tên đường.
Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc), song phần lớn là tình ca. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, song thành công hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ không chuyên.
Ông sinh tại cao nguyên Lạc Giao xã Lạc Giao - nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk - nhưng lúc nhỏ sống ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế và theo học các trường Lyceè Francais và Provindence ở đây. Sau khi vào Sài Gòn ông theo học triết học trường Tây Lyceé Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất tại TP HCM vì bệnh tiểu đường ngày 1/4/2001. Hàng nghìn người đã đến viếng và ông được an táng tại Nghĩa trang Gò Dưa, Bình Dương. |
Trung Sơn