Ngày 2/5, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đứng đầu. Thành viên tham gia đoàn có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cùng các địa phương.
Đoàn chia làm 6 tổ để kiểm tra các hạng mục theo phân công của trưởng đoàn.
Làm việc tại trụ sở Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa lúc 14h chiều 4/5, đoàn nghe báo cáo về công tác bảo vệ môi trường và tiến độ triển khai dự án. Tiếp đó, các thành viên đoàn đặt câu hỏi để làm rõ một số nội dung liên quan.
Ngày 5/5, sáu tổ kiểm tra sẽ đi thực tế từng khu vực tại nhà máy, kết quả được tập hợp, đánh giá lúc 20h cùng ngày.
Ngày 6/5, một tổ công tác sẽ kiểm tra Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Formosa, Công ty điện lực dầu khí Vũng Áng và các công trình phụ trợ khác. Tổ còn lại kiểm tra xưởng bảo dưỡng thiết bị, cảng Sơn Dương, nhà máy cán thép phôi nhập khẩu, Trung tâm dịch vụ và hạ tầng khu kinh tế Vũng Áng. Biên bản tổng kiểm tra Formosa sẽ được hoàn thiện vào tối cùng ngày.
Với các khu công nghiệp, khu kinh tế còn lại trên địa bàn, Bộ Tài nguyên đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với cảnh sát môi trường, cơ quan liên quan thanh tra việc xả thải ra biển.
Bộ trưởng sẽ thành lập Hội đồng liên ngành để cuối đợt kiểm tra đánh giá kết quả của các tổ kiểm tra. Nội dung sẽ được công khai.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thành lập Hội đồng chuyên gia cấp quốc gia do Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ tịch. Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu tập hợp gần 100 nhà khoa học, đi sâu vào hướng nghiên cứu tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển.
Chiều 3/5, một đoàn gồm 5 nhà khoa học đã vào Hà Tĩnh để xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Đầu tháng 4 từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi là thủy triều đỏ) là nguyên nhân khiến cá chết.
Mới đây, tại một số địa phương tiếp tục phát hiện cá chết cục bộ với lượng không nhiều, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng cục môi trường chỉ đạo quan trắc với tần suất từ 2 đến 3 lần mỗi ngày.
6 tổ công tác của đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Tổ 1: PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường làm tổ trưởng. Tổ này sẽ kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với xưởng phân tách khí, nhà máy luyện cốc, nhà máy luyện thép, luyện gang và các hạng mục công trình có liên quan. Tổ 2: PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện phó Viện Hóa làm tổ trưởng sẽ kiểm tra về bảo vệ môi trường khi nhập khẩu, mua, bán và sử dụng hóa chất; hoạt động xúc rửa đường ống của dự án và các nhà thầu tham gia có liên quan. Tổ 3 do PGS. TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật môi trưởng (ĐH Xây dựng) làm tổ trưởng sẽ kiểm tra bảo vệ môi trường các công trình thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp. Tổ 3 cũng kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải; xưởng xử lý nước cấp; hệ thống thoát nước mưa và nước thải của toàn dự án. Tổ 4 do TSTrinh Thành, Phó viện trưởng Viện khoa học và công nghệ môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội) làm tổ trưởng sẽ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy nhiệt điện - tổ máy số 1 của Formosa và các công trình phụ trợ khác của công ty này cùng Công ty điện lực dầu khí Vũng Áng. Tổ 5: ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Cục trưởng kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trưởng (Tổng cục môi trường) làm tổ trưởng sẽ kiểm tra xưởng bảo dưỡng thiết bị, cảng Sơn Dương; nhà máy cán thép - phôi nhập khẩu, các công trình phụ trở của Formosa và Trung tâm dịch vụ và Hạ tầng khu kinh tế Vũng Áng. Tổ 6: Tổ tham mưu tổng hợp do ông Vũ Kim Tuyển Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Tổng cục môi trưởng) làm tổ trưởng hoạt động theo phân công của trưởng đoàn kiểm tra. |
Phạm Hương