- Bức tranh toàn cảnh về dân số của Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Theo kết quả Điều tra Dân số và Nhà mới công bố gần đây, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản có 2,09 con. Kể từ năm 2006 đến nay, chúng ta luôn duy trì được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) này. Tuy nhiên, mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh thành. Nếu phân chia thành thị và nông thôn thì mức sinh ở thành thị là 1,85; ở nông thôn (nơi có dân số chiếm tới 67%) là 2,21 con - chưa đạt mức sinh thay thế.
Nếu phân chia theo vùng kinh tế - xã hội, có tới 4 vùng vượt mức sinh thay thế là: Trung du và miền núi phía Bắc (2,56 con); đồng bằng sông Hồng (2,3); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (2,31) và Tây Nguyên (2,3). Trong khi đó, mức sinh ở 2 vùng còn lại đã dưới mức sinh thay thế là đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt vùng Đông Nam Bộ mức sinh đã khá thấp (1,56 con) - rất gần với mức sinh của các nước đã phát triển.
So với năm 2013, mức sinh trên toàn quốc có giảm đi chút ít nhưng tại các vùng miền, tỉnh thành thì có biến động. Nếu như năm ngoái, vùng đồng bằng sông Hồng có 2,11 con thì nay đã tăng lên là 2,3 trong khi tất cả vùng khác đều giảm đi, kể cả những vùng đã đạt mức sinh thay thế.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Dương Ngọc. |
- Năm 2011 trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có 1,99 con, nay tăng dần đến 2013 đã là 2,1 con. Ông đánh giá thế nào về sự gia tăng này?
- Mức sinh trung bình trên toàn quốc cho thấy có dao động nhưng vẫn trong quỹ đạo mục tiêu “duy trì mức sinh thấp hợp lý” mà chúng ta đã đề ra. Theo dõi số liệu hàng năm, nhất là từ khi chúng ta đạt mức sinh thay thế năm 2006 đến nay, mức sinh của nước ta vẫn duy trì xung quanh 2,1 con - mức sinh thay thế. Sự biến động tăng giảm năm trước năm sau là thông thường. Điều quan trọng là xem xét xu hướng của mức sinh trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sát sao sự biến động mức sinh của Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng miền, tỉnh thành.
- Liên Hợp Quốc cho rằng mức sinh của Việt Nam biến đổi khó lường, ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Nếu xem xét tổng thể mức sinh trong toàn quốc từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đến nay và đặc biệt từ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 thì xu hướng mức sinh của chúng ta là từ cao xuống thấp và đạt mức sinh thay thế, duy trì mức sinh thay thế gần 10 năm nay. Tất nhiên trong khoảng thời gian đó, có năm cao năm thấp.
Như vậy, xã hội đã chấp nhận và lựa chọn thực hiện quy mô gia đình ít con thay vì sinh nhiều, sinh dày như trước kia. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân sinh con thứ 3 trở lên. Kết quả điều tra giữa kỳ của Tổng cục Thống kê là một minh chứng. Nếu như các năm 2011-2013, tổng tỷ suất sinh của khu vực đồng bằng sông Hồng là 2,11 con thì nay đã lại tăng lên là 2,3. Khó có thể nói là điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực này kém hơn vùng trung du và miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên. Nhưng mức sinh lại tăng, là do vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm “đông con, tốt phúc". Khu vực này cũng bị ảnh hưởng nặng nề quan niệm nho giáo thích con trai. Vì thế, tỷ số giới tính khi sinh tại đây luôn cao nhất cả nước và tình trạng ngày càng gia tăng.
Sự biến đổi khó lường về mức sinh không chỉ hàm ý mức sinh có thể tăng trở lại trong ngắn hạn nếu chúng ta buông lỏng việc thực hiện chương trình kế hoạch hóa gia đình mà còn bao gồm khả năng mức sinh xuống quá thấp. TP HCM là một ví dụ. Năm 2011, mức sinh của thành phố đã xuống tới 1,3 con - mức sinh được các nhà nhân khẩu học châu Âu gọi là mức rất thấp. Về xu hướng dài hạn, mức sinh chắc chắn sẽ giảm xuống, cần theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị các điều kiện thực thi chính sách tác động để tránh tình huống mức sinh giảm xuống quá thấp.
- Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta để mức sinh xuống quá thấp?
- Các nước đã, đang và sẽ thành công trong việc giảm sinh, nhưng rất hiếm nước nào thành công trong việc làm tăng sinh khi mức sinh đã xuống quá thấp.
Nếu để mức sinh xuống quá thấp, chúng ta sẽ không có được cơ cấu dân số hợp lý, làm cho quá trình già hóa dân số của Việt Nam diễn ra nhanh hơn, thời kỳ cơ cấu dân số vàng cũng ngắn hơn. Chúng ta lại đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và xu hướng gia tăng đó hiện chưa thể chặn đứng được. Nếu mức sinh quá thấp trong một xã hội thích con trai sẽ càng làm cho vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trở lên trầm trọng hơn và hệ lụy sẽ rất nặng nề cho sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.
Ví dụ như Hàn Quốc. Nước này bắt đầu chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình năm 1962, Việt Nam bắt đầu năm 1961. Sau 21 năm, Hàn Quốc đạt mức sinh thay thế (1983). Việt Nam đạt mức sinh thay thế năm 2006, sau 45 năm.
Sau khi đạt mức sinh thay thế (năm 1983), Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh chương trình kế hoạch hóa gia đình với thông điệp “Đất nước Hàn Quốc sẽ rất chật chội dẫu mỗi gia đình chỉ có một con”. Do đó mức sinh của Hàn quốc đã nhanh chóng lao xuống mức thấp. Năm 2005, mức sinh của họ chỉ còn 1,08. Nước này đã làm mọi cách để vực mức sinh nhưng những năm gần đây, mức sinh vẫn chỉ dao động trong khoảng 1,2-1,29. Chính phủ Hàn Quốc từng phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ nhằm chạm đến tất cả những trái tim người Hàn Quốc: Năm 2750, người Hàn Quốc sẽ biến mất khỏi thế giới?
Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước châu Âu là những ví dụ điển hình về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của công tác dân số là chúng ta phải duy trì được mức sinh hợp lý tức không để mức sinh rơi xuống quá thấp và cũng không để mức sinh tăng trở lại.
- Chính sách dân số trong giai đoạn tới sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Duy trì mức sinh thấp hợp lý là một trong những chỉ tiêu của Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo đó, năm 2015 quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người, tổng tỷ suất sinh vào khoảng 1,9 con và năm 2020 tương ứng là 98 triệu người và 1,8 con.
Để làm được điều đó, chúng ta cần linh hoạt về chính sách: với các tỉnh có mức sinh cao, chưa đạt mức sinh thay thế cần hạ mức sinh và phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Những tỉnh, thành phố mức sinh đã xuống thấp như TP HCM cần duy trì để mức sinh không giảm nữa, rồi từng bước nâng dần lên.
Thông điệp dân số cũng có sự thay đổi từ "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1 đến 2 con" chuyển thành "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con". Khẩu hiệu mới về cơ bản không thay đổi so với khẩu hiệu trước mà chỉ bao gồm hàm ý cần duy trì mức sinh hợp lý, không để mức sinh giảm xuống quá thấp đối với một số địa phương như TP HCM và một số tỉnh xung quanh. Điều quan trọng là tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của mọi người dân, đặc biệt là vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, ven biển, hải đảo...
Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, để đạt được mức sinh thay thế là khó, lâu dài nhưng để duy trì được mức sinh thay thế, tránh rơi vào mức sinh giảm xuống thấp, nhất là khi kinh tế - xã hội đã phát triển, chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, thì còn khó khăn nhiều hơn.
Về mục tiêu quy mô dân số của Chiến lược Dân số sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được. Kết quả điều tra giữa kỳ cho thấy, dân số nước ta hiện nay là 90,5 triệu người. Như vậy, chắc chắn dân số nước ta sẽ không vượt quá ngưỡng 93 triệu người vào năm 2015.
Nam Phương