Tại hội thảo "Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP HCM" ngày 22/6, PGS.TS Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) nhận định, trong giai đoạn hiểm nghèo, vừa đói khổ vừa thiên tai địch họa, khó khăn tưởng chừng không vượt qua được thì Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng TP HCM đã tìm cách làm ăn mới, tự cứu mình.
"Cách làm ấy lại bị nhiều người phê phán, cho rằng thành phố chạy theo cơ chế thị trường, phát triển chủ nghĩa tư bản, bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất là nghe sặc mùi Nam Tư. Năm 1982, chỉ trong vòng một tháng có 6 đoàn kiểm tra đến thành phố phê phán gay gắt, ban hành một số quy định trói tay các đơn vị sản xuất kinh doanh", ông Biên nhắc lại.
Theo PGS Phan Xuân Biên, trong hoàn cảnh đó Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tỏ rõ bản lĩnh kiên cường, bám sát mục tiêu chiến lược, thực tế để có những cách làm mới phù hợp với vị trí của thành phố. Cho đến nay, những câu chuyện về tháo gỡ khó khăn, tìm cách làm mới từ thời bao cấp, "xé rào", làm lén vẫn còn lưu giữ trong ký ức nhiều người. Mỗi lần nhắc đến, người ta đều kể về những người lãnh đạo luôn khuyến khích, bảo hộ, bật đèn xanh, trong đó không thể không chịu ơn cố Tổng bí thư.
"Những việc làm như xóa bao cấp, thực hiện 3 lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, hợp doanh… với các địa chỉ như Công ty lương thực thành phố, gạch bông Đức Tân, dệt Thành Công, dệt Phước Long… mãi mãi khắc ghi công ơn đồng chí Nguyễn Văn Linh", ông Biên nói.
Gửi tới buổi hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng bí thư (1/7/1915-1/7/2015), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải viết, thành công nhất của giai đoạn Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Linh lãnh đạo trong những năm đầu thậm niên 1980 là tìm ra các mô hình tháo gỡ sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo kiểu tập trung quan liêu - hành chính - bao cấp, nhằm làm cho sản xuất bung ra bằng nhiều hình thức kinh tế quá độ.
"Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Thành ủy TP HCM đã kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh. Trong hơn 160 đơn vị kinh tế sản xuất ra hơn 800 chủng loại sản phẩm cung cấp cho nhu cầu xã hội", nguyên Thủ tướng chia sẻ.
Cũng giai đoạn đó, trước tình hình nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn, lãnh đạo TP HCM đã chấp thuận cho Công ty xuất nhập khẩu thành phố và Công ty xuất nhập khẩu Chợ Lớn huy động vốn của nhiều đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp của tư nhân để mua nông sản ở thành phố và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với giá thỏa thuận, xuất khẩu tiểu ngạch sang Singapore, Hong Kong... lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu vật tư cho nhu cầu sản xuất công nghiệp.
"Cách 'gỡ đói' nguyên liệu ấy sau đó mở rộng ra nhiều mặt hàng, nhiều ngành, công nghiệp thành phố bước đầu giải quyết được khâu nguyên liệu, vật tư khan hiếm. Vừa có sản phẩm bán lãi, vừa giải quyết được việc làm cho công nhân", nguyên Thủ tướng đánh giá.
Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải thì cho hay, gần 70 năm hoạt động cách mạng trên khắp ba miền đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có hơn nửa cuộc đời hoạt động gắn bó với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP HCM. 8 lần là người đứng đầu Đảng bộ thành phố, có vai trò quan trọng trong những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cách mạng.
"Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại những bài học sâu sắc, quý báu. Nổi bật nhất là tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nhân", ông Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo, những bài học từ thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khiến các thế hệ lãnh đạo TP HCM tâm đắc là phải sâu sát với thực tiễn, sẽ chỉ ra những cách làm đúng. Việc hình thành đường lối đổi mới là một quá trình từ đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với phương châm "thận trọng, đi từng bước vững chắc, đúng liều lượng".
"Cái cũ, cái mới trong cuộc sống lúc đầu còn lẫn lộn, nếu không thận trọng dễ bị rối loạn không kiểm soát được tình hình. Ông đã tìm lại lòng tin của dân đối với Đảng từ những điều đơn giản nhất: Nói đi đôi với làm", bà Thảo nhận định.
Nói về người từng là cấp trên của mình, ông Tô Bửu Giám (nguyên trợ lý Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) cho rằng Tổng bí thư là người khởi xướng rồi thực hiện tư duy đổi mới, ông đã cùng Trung ương Đảng có những quyết sách về kinh tế, xã hội, quân sự, đối ngoại sáng suốt. "Những quyết sách đó không những giữ đất nước ta ổn định mà còn phát triển lúc thế giới rối loạn trước sự kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn nữa", ông Giám đánh giá.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915 trong một gia đình công chức tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Năm l930, ông bị địch bắt khi rải truyền đơn chống đế quốc và bị kết án chung thân, đày ra Côn Đảo. Sáu năm sau, ông được trả tự do và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, ông được điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Đầu năm 1941, Nguyễn Văn Linh bị địch bắt, xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được đón về Nam Bộ hoạt động ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp lãnh đạo kháng chiến với các chức vụ Bí thư Thành uỷ, Bí thư Đặc khu uỷ Sài Gòn - Gia Định. Năm 1947, Nguyễn Văn Linh được bầu vào Xứ uỷ Nam Bộ; năm l949 tham gia Thường vụ Xứ uỷ Nam Bộ. Từ năm 1957 đến năm l960, ông là quyền Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, sau đó được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1976 đến năm 1985, ba lần ông được phân công làm Bí thư TP HCM. Tháng 6/1986, ông được bầu vào Ban bí thư Trung ương Đảng và được phân công Thường trực Ban Bí thư. Đến tháng 12/1986, được Trung ương bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từ trần ngày 27/4/1998 tại TP HCM. |
Trung Sơn