Ngày 5/5, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng) cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng “là đòi hỏi của luật pháp và của xã hội, đồng thời là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng”. Vì thế, công việc này được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện song song với việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, thực tế số tài sản tham nhũng thu hồi được còn rất khó khăn. Ước tính chỉ được khoảng 10% số bị chiếm đoạt. "Công tác phòng chống tham nhũng nói chung vẫn chưa đạt yêu cầu", ông Thanh nhìn nhận.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, cũng đánh giá công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Nhận xét về tỷ lệ thu hồi tài sản chưa quá 10% trong báo cáo của ông Thanh, Tổng bí thư cho rằng "tỷ lệ này còn rất thấp”.
Tổng bí thư cho hay, việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, xử lý còn nương nhẹ. “Còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho khởi tố bị can theo quy định pháp luật”, Tổng bí thư chỉ ra.
Người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương khẳng định: Tham nhũng vẫn đang là thách thức, là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Theo ông, để công tác này có hiệu quả hơn thì cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, truyền thông và nhân dân; công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát.
“Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Một khi đã xảy ra tham nhũng, phải nhất thiết xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm. Phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng của pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Trung Đức