Chiều 5/7, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND Phú Yên cho biết, các lần lấy mẫu kiểm tra xác định, lượng tôm hùm nuôi trong lồng bè tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) có mật độ rất dày.
Môi trường tại vùng nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng; chất hữu cơ tích tụ lâu ngày gặp thời tiết xấu bị phân huỷ, vi tảo phát triển mạnh cùng với việc thiếu oxy tầng đáy là nguyên nhân khiến tôm hùm chết hàng loạt.
"Người dân cắm cọc tre, dùng lốp xe nuôi vẹm, hàu và chất thải bè nuôi thải ra môi trường cũng là một trong những nguyên nhân làm tôm chết", ông Thế nói.
Theo Phó chủ tịch UBND Phú Yên, tôm chết là do điều kiện khách quan nhưng tỉnh đã báo cáo Thủ tướng cùng các bộ ngành có cơ chế đặc thù, hỗ trợ người dân.
"Tỉnh cũng yêu cầu từng địa phương tìm cách hỗ trợ người nuôi tôm. Chúng tôi làm việc với ngân hàng thống kê dư nợ, có giải pháp hỗ trợ người dân tái sản xuất", ông Thế nói.
Liên quan việc người dân cho rằng tôm chết là do nhà máy chế biến thuỷ sản xả thải, bà Lê Đào Anh Xuân (Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường) khẳng định không liên quan đến đơn vị này. Kết quả được xác định sau khi Trung tâm phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) cùng đoàn công tác cục môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) lấy mẫu làm xét nghiệm.
Hồi cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, hơn 1,6 triệu con tôm hùm của gần 700 hộ nuôi tại lồng bè thị xã Sông Cầu bất ngờ quẫy nước mạnh, chết rất nhanh.
Nguyên Dương