Ông Nguyễn Thành An (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) cho biết, gia đình ông có 15 lồng, mỗi lồng hơn 1.000 con. Tuần trước, ông thấy tôm hùm trong lồng chết vài con nhưng sau đó tăng dần số lượng.
Kiểm tra tầng đáy, ông phát hiện nước sủi bọt, bốc mùi thối. Ông liền nâng lồng lên cách đáy 2-3 m, nước trong hơn, nhưng tình trạng tôm chết vẫn diễn ra. "Rất nhiều con rơi vào tình trạng lờ đờ, ngắc ngoải", ông An cho biết.
Ông cho biết hàng trăm tôm hùm được nuôi gần một năm với trọng lượng 0,5-1kg đã chết. "Loại này bán khoảng 1,5 triệu đồng một kg, nhưng khi chết chỉ bán được 400.000-600.000 đồng", chủ lồng bè nói.
Xã Xuân Phương có 8.000 lồng bè nuôi tôm hùm. Nhiều hộ khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Họ cho biết, ngoài tôm, nhiều hải sản khác như cá dìa, dò, cá bống, tôm, cua, ghẹ, hàu... cũng chết hàng loạt.
"Cua bình thường vùi xuống bùn, nhưng hiện nay phải trồi lên bám vào lồng nuôi tôm hùm, một số thì chết", một ngư dân cho biết.
Theo ông Lương Công Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, vịnh Xuân Đài có gần 1.200 hộ dân nuôi thủy hải sản với hơn 13.000 lồng bè, chủ yếu tôm hùm. Hiện địa phương chưa thống kê được số lượng tôm hùm, cá chết.
Lãnh đạo Chi cục chăn nuôi và thú y Phú Yên cho biết, đơn vị đang phối hợp Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản lấy mẫu hải sản chết, mẫu nước để giám định. "Nguyên nhân ban đầu có thể do khu vực nuôi, lồng bè dày đặc đã làm môi trường nước ô nhiễm, thiếu ôxy cục bộ", lãnh đạo đơn vị nói.
An Phước