Mấy ngày qua, nhiều người nuôi tôm tại khu vực biển ở xã Xuân Phương (Sông Cầu) bị thiệt hại hàng tỷ đồng, đối mặt với nguy cơ phá sản khi tôm nuôi trong các lồng bè bất ngờ bị chết không rõ nguyên nhân.
Ông Phan Văn Khoa (48 tuổi), một hộ nuôi tôm cho biết, khoảng hơn tuần nay, nhiều người nuôi tôm phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm, từ dưới đáy nước sủi bọt, bốc mùi hôi thối đến mức một số loại hải sản tự nhiên như sò, ốc cũng bị chết.
"Ban đầu tôm nuôi chết lai rai, mấy ngày gần đây thì chết hàng loạt. Trong số hơn 500 con tôm hùm giống tui mới thả xuống với giá mua mỗi con 350.000 đồng, đã có gần 100 con bị chết. Tui phải chuyển số tôm còn lại về vùng biển Bãi Trước xã Xuân Thịnh, nơi có mực nước sâu hơn, nhưng chưa biết có cứu được không", ông Khoa cho hay.
Nhiều hộ nuôi tôm khác cũng chung tình trạng như ông Khoa. "Tui thả nuôi hơn 1.000 con tôm hùm, lúc đầu một vài con chết, sau đó số lượng tăng dần lên hàng chục. Tui cũng phải di dời lồng đến nơi khác, nước trong và sâu hơn để ngăn chặn thiệt hại tái diễn", ông Phan Văn Thoa chia sẻ.
"Tôm hùm chết gần tuần nay, rải rác ở một số lồng bè nhưng hôm nay tình trạng này đã giảm", ông Phạm Kiên - Chủ tịch thị xã Sông Cầu - cho biết.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, từ đêm 10 đến 12/6, tôm hùm nuôi tại thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. Tỷ lệ tôm hùm chết 60-70%, có một số lồng nuôi lên đến 90-100%. Đặc biệt, các lồng nuôi có hiện tượng tôm chết chủ yếu tập trung tại nơi nước có dòng chảy kém, mật độ lồng bè và số tôm nuôi dày.
Tính đến ngày 12/6 có khoảng 29 hộ nuôi bị thiệt hại với tổng số tôm hùm bông chết khoảng 5 tấn, loại từ 0,4 - 0,8 kg mỗi con. Còn tôm hùm xanh chết khoảng 2,5 tấn, loại 0,15 - 0,25 kg mỗi con. Mỗi kg tôm hùm chết chỉ bán được 350.000 - 400.000 đồng, trong khi tôm hùm sống có giá 1,3 - 1,4 triệu đồng.
Theo Trạm Thú y thị xã Sông Cầu, nguyên nhân ban đầu tôm chết là khu vực nuôi tại thôn Phú Mỹ có mật độ lồng rất dày dẫn đến hiện tượng ô nhiễm cục bộ. Ngoài ra, những ngày qua nắng nóng bất thường, cường độ ánh sáng mạnh đã làm phát sinh hiện tượng tảo nở hoa, phát triển quá mạnh, làm cho nước nuôi bị thiếu oxy nghiêm trọng dẫn đến tôm bị chết ngạt.
"Tình hình tôm bị thiếu oxy là nguyên nhân chính, do môi trường nước bị dư dinh dưỡng, cộng với mấy ngày vừa rồi ánh sáng quá mạnh làm cho tảo phát triển. Mà tảo này đặc điểm là khi nó đi đến đâu thì cướp oxy và giải phóng độc tố", ông Nguyễn Hữu Đài, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã Sông Cầu nói và cho biết, hàng năm vào mùa nắng nóng vẫn xảy ra tình trạng tôm hùm nuôi trên các lồng bè bị chết.
"Thức ăn cho tôm hùm tích tụ lâu ngày dễ gây ô nhiễm nên người dân phải thường xuyên làm vệ sinh lồng bè; đồng thời sử dụng hóa chất xử lý một cách thích hợp tránh ô nhiễm", lãnh đạo địa phương khuyến cáo.
Hiện, địa phương đang phối hợp Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh tới khu vực lồng bè của người dân để kiểm tra, lấy mẫu để xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân để ngăn chặn, xử lý tình trạng tôm hùm chết, giảm thiệt hại cho bà con.
Thiên Lý - Xuân Ngọc